Mỗi loài sinh vật trên Trái đất đều có một kỹ năng đặc biệt phân biệt chúng với các loài khác: sư tử thì gầm, công thì múa, rắn thì trườn, chuột thì gặm, còn loài người thì suy nghĩ. Tuy nhiên, điều gì khiến loài người dù thấp bé nhẹ cân lại có thể trở thành loài thống trị hành tinh?
Theo ScienceABC, nhiều nhà tiến hoá học đã cho rằng thực ra chẳng có gì đặc biệt về giống loài của chúng ta cả. Họ khẳng định rằng đỉnh cao của văn minh nhân loại – ngôn ngữ, đứa con của nhận thức và sáng tạo – cũng chỉ là một kỹ năng đơn thuần mà thôi. So với các loài sinh vật khác như voi, loài người không có vòi để giúp nâng các vật nặng hoặc trữ nước uống, hay so với các loài ăn thịt, loài người không có vuốt sắc và khả năng chạy nhanh để bắt và giết con mồi.
Tuy nhiên, chúng ta lại có thể tạo ra các công cụ để thực hiện các công việc tương tự!
Não voi to nhưng mật độ nơ ron trên vỏ não sẽ thấp hơn nhiều so với con người.
Vậy trí thông minh đến từ đâu?
Nhận thức, đó là thứ phân biệt giữa loài linh trưởng và các loài vật khác.
Khi nói về khả năng đưa ra các quyết định phức tạp, lên kế hoạch và giải quyết các vấn đề…, không loài vật nào vượt qua được con người. Các khả năng này đều xuất phát từ sự nhận thức, suy nghĩ, tính toán của chính tiềm thức con người. Nhưng sự nhận thức thực sự đến từ đâu?
Bộ não được chia thành nhiều khu vực, và việc phân định từng khu vực thực sự không phải dễ dàng. Vẫn còn rất nhiều những mơ hồ, tranh cãi xung quanh vấn đề này bởi tính đa dạng của bộ não. Tuy nhiên, khoa học về cơ bản đã xác định được rằng nhận thức, trí thông minh đến từ hai khu vực: tiểu não và vỏ não.
Tiểu não (Cerebellum) chịu trách nhiệm điều tiết những cảm xúc cơ bản của con người như đau, đói, nhu cầu tình dục, buồn ngủ… Nó khá nhỏ và thường được gọi là “não bò sát” vì những chức năng cơ bản của mình, cũng như vị trí vốn nằm ẩn sâu bên dưới cùng của bộ não.
Vỏ não (Cerebral Cortex) chịu trách nhiệm cho các chức năng cao cấp hơn, như suy nghĩ, tưởng tượng, nắm bắt ngôn ngữ và bộc lộ cảm xúc.
Nói trên lý thuyết là vậy, nhưng bộ não con người không hoàn toàn giống như một chiếc máy tính. Không có một khu vực não cụ thể nào chịu trách nhiệm cho một chức năng nhất định. Ngược lại, mọi khu vực của não phối hợp hài hoà để điều khiển các khả năng khác nhau của con người. Vậy nên, cả tiểu não lẫn vỏ não đều có tính quan trọng ngang nhau, bởi chúng đều chịu trách nhiệm sản sinh phần lớn các nơ ron thần kinh trong bất kỳ bộ não nào.
Bộ não con người không hoàn toàn giống như một chiếc máy tính.
Vậy có phải não càng lớn thì càng thông minh?
Nếu nhận thức bắt nguồn từ bộ não, thì chắc là não càng lớn thì càng có nhiều nhận thức? Bởi não càng lớn thì càng có nhiều nơ ron, dẫn đến trí thông minh càng tăng, có khả năng làm được nhiều thứ hơn? Loài voi châu Phi có bộ não lớn gấp 3 lần con người, vậy tại sao chúng lại không thống trị con người?
Nhận định như trên bắt nguồn từ suy nghĩ sai lầm rằng mọi bộ não đều có cấu tạo giống nhau, và kích cỡ của tiểu não và vỏ não cũng tăng tỉ lệ thuận với nhau. Tất nhiên là không phải như vậy.
Sự tiến hoá nói đơn giản là tổng kết của những thay đổi cực nhỏ qua hàng thiên niên kỷ. Loài linh trưởng có bộ não nhỏ hơn, ít nơ ron hơn, nhưng điều làm chúng khác biệt chính là cách thức các nơ ron được phân phối.
Như đã nói ở phần trên, hầu hết nơ ron phân bố ở tiểu não và vỏ não. Tuy nhiên, mật độ phân bố của chúng tại các khu vực nào lại không giống nhau, hay nói cách khác là bất đối xứng. Và đây là câu trả lời cho câu hỏi đã đặt ra ở tiêu đề bài viết.
Tại sao kích cỡ lại không quan trọng?
Suzana Herculano-Houzel – một nhà thần kinh học Brazil – đã cùng các sinh viên của mình tiến hành thí nghiệm đếm số lượng nơ ron trên bộ não của một con voi châu Phi, mà cụ thể là số nơ ron nằm tại vỏ não (đặc biệt là vỏ não trước trán) – nơi bà tin là cội nguồn của trí thông minh. Bà đã dùng một con dao cắt bộ não voi ra thành nhiều phần và đếm số nơ ron trên từng phần đó.
Mật độ nơ ron mới là thứ quyết định mức độ thông minh của một sinh vật.
Theo dự đoán của bà thì dù não voi to nhưng mật độ nơ ron trên vỏ não sẽ thấp hơn nhiều so với con người, và chính mật độ nơ ron mới là thứ quyết định mức độ thông minh của một sinh vật, chứ không phải kích thước vùng não mà các nơ ron đó lưu trú. Và đó chính xác là những gì bà phát hiện ra sau thí nghiệm mổ não voi: tổng số nơ ron trên não voi là khoảng 257 tỉ, gấp 3 lần so với con số 86 tỉ của não người. Tuy nhiên, 98% trong số 257 tỉ nơ ron đó lại nằm ở tiểu não, chỉ có 5,6 tỉ nơ ron nằm ở vỏ não. Còn ở con người, trên vỏ não của chúng ta có đến 16 tỉ nơ ron!
Thí nghiệm của Suzana đã cho thấy trí thông minh siêu việt của con người xuất phát từ mật độ nơ ron cực lớn trên vỏ não, thay vì trên tiểu não. Số lượng nơ ron vỏ não của con người vượt xa tất cả các sinh vật khác trên hành tinh này!
Con người đã rất may mắn khi tiến hoá từ loài linh trưởng – vốn là loài đầu tiên phát triển nơ ron theo hướng này. Và theo thời gian, những cải tiến về mặt công nghệ của ông cha ta càng bổ sung thêm cho trí thông minh của con người.
Việc con người nấu chín thức ăn là một yếu tố quan trọng trong tiến trình phát triển, bởi nó giúp tạo ra nhiều năng lượng hơn so với thức ăn sống. Ăn chín, uống sôi có lẽ chính là lý do giúp cho các nơ ron thần kinh trên vỏ não của con người phát triển với số lượng lớn như vậy.
Vì sao ông voi “khổng lồ” sợ chú kiến “tí hon”?Vì sao voi mang thai tới gần 2 năm mới sinh con?
Theo vnreview