Não người giống não giun?

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ khẳng định cấu trúc gene não người liên quan tới giun biển. Điều này cho thấy gốc tích não người khởi thủy từ xa xưa hơn ta tưởng nhiều.

Hiển nhiên người và giun biển đã phân tách từ cùng một tổ tiên trước nữa từ hàng triệu năm, nhưng điều đáng ngạc nhiên là các dấu vết giúp thể hiện điều này vẫn tồn tại tới ngày nay. Tầm quan trọng phát hiện mới này ở chỗ nó giúp các nhà khoa học nhìn nhận lại quá trình tiến hóa.

Nghiên cứu được tiến hành bởi các nghiên cứu viên Đại học Stanford và Đại học Chicago ở Mỹ. Trong khi phân tích loài giun acorn ở biển có tên Saccoglossus kowalevskii, hai nghiên cứu viên Chris Lowe và Ari Pani đã tìm thấy cơ chế gene căn bản từng được cho rằng chỉ có ở các loài có xương sống.

Một con giun acorn trưởng thành

“Càng nghiên cứu, chúng tôi càng nhận thấy sự tương đồng giữa não của loài giun kỳ lạ này và não của động vật xương sống trong các dấu vân phân tử ngầm”, vị giáo sư dự khuyết ngành sinh vật học Lowe giải thích.

Phát hiện này giúp các nhà khoa học nhận ra cần khảo sát trên qui mô rộng hơn nhiều nếu muốn nhìn được cả bức tranh toàn cảnh. Tức là cần xem xét đến cả những tình huống ban đầu có vẻ không liên quan gì.

Ví dụ, các nhà nghiên cứu trước nay đã không phân tích mối liên hệ tiềm năng giữa giun và người bởi hai loài này không có vẻ gì tương đồng. Thay vào đó, họ tập trung xem xét linh trưởng, cá heo, voi và những động vật bậc cao khác trên thang tiến hóa.

“Động vật hiện đại đều chỉ nằm ở đầu ngọn các chi nhánh của cây tiến hóa mà thôi. Và khi chúng ta đang tìm kiếm bằng chứng về hình hài tổ tiên chung của mọi loài, chúng ta phải xem xét mọi nhánh cây để tìm manh mối”, Lowe nhấn mạnh thêm.

 

Theo Vietnamnet