NASA vừa công bố những hình ảnh và video được ghi lại từ tàu vũ trụ Cassini, cho thấy những bước đi đầy mạo hiểm của nó.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, tàu vũ trụ Cassini của NASA đã bắt đầu một loạt các vòng quay quanh Sao Thổ và thực hiện những chuyến bay nguy hiểm lách qua các vành đai của hành tinh này.
Nhiều hình ảnh có độ phân giải thấp, hình bị nhiễu hạt, mờ và không rõ nét, nhưng điều đó cho thấy sự nhiễu loạn của các đám mây dông bão trên khí quyển Sao Thổ. Chưa có bất cứ thiết bị nhân tạo nào của con người dám lướt qua khoảng cách thật gần so với các hành tinh khác.
Cơn bão trên cực của Sao Thổ được chụp bởi tàu Cassini vào ngày 26/4 vừa qua, được chỉnh sửa màu sắc bởi các nhà khoa học của NASA. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/SSI/Kevin M. Gill).
Jo Pitesky, kỹ sư khoa học của dự án Cassini tại Phòng Thí nghiệm Động cơ Phản lực (JPL) của NASA, cho biết: “Ngay sau khi các bức ảnh được gửi về, các nhà khoa học của dự án Cassini cho biết họ đang nhìn những thứ mà họ chưa bao giờ thấy trước đây. Sau gần 13 năm trong quỹ đạo, những hình ảnh mới về Sao Thổ tiếp tục làm chúng tôi kinh ngạc”.
Phòng thí nghiệm JPL của cơ quan này mới đây đã phát hành một video hoàn toàn mới cho thấy chính xác nơi, khi nào, và cách mà tàu vũ trụ quay lại những hình ảnh chưa từng thấy trong đường bay đầu tiên của loạt chuyến bay cuối cùng.
Khi xem đoạn video, người xem sẽ hình dung được cách mà tàu Cassini hoạt động để ghi lại hình ảnh. Ở cuối video, bạn sẽ thấy tàu Cassini lộn ngược một vòng để làm lệch hướng những phần tử khí bụi nguy hiểm từ Sao Thổ có thể đâm vào tàu.
Tàu Cassini bay từ xa để ghi lại hình ảnh khí quyển Sao Thổ. (Ảnh: NASA).
Linda Spilker, nhà khoa học của dự án Cassini, cho biết: “Trong khoảng nửa giờ hoặc lâu hơn sau khi tàu đến điểm gần nhất của so với hành tinh, nó bật anten và đưa lên cao hơn, giống như một tấm khiên khổng lồ, để bảo vệ các thiết bị phía sau nó”.
Một góc nhìn khác trong video, nhìn từ xa để thấy được toàn cảnh Sao Thổ, và tàu Cassini lúc này là một dấu chấm đỏ bay dọc từ cực bắc xuống cực nam của hành tinh khí khổng lồ. Tốc độ lúc này của tàu là 123.600 km/h, nhanh hơn 45 lần so với viên đạn bắn ra. Tàu khó chụp hình rõ nét khi đi với vận tốc này.
Góc nhìn xa cho thấy tàu Cassini là chấm màu đỏ lướt từ cực bắc xuống cực nam của Sao Thổ. (Ảnh: NASA).
Những hình ảnh mới công bố này chỉ là một phần nhỏ trong số dữ liệu mà NASA nhận được từ tàu Cassini. Được gọi là “Grand Finale” (Màn kết thúc vĩ đại), tàu Cassini sẽ bay 22 vòng cuối cùng quanh Sao Thổ và thu lại càng nhiều dữ liệu càng tốt về hành tinh này và các vành đai của nó.
Vòng quay đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 26/4 vừa qua, vòng quay thứ hai vào ngày 2 tháng 5 và NASA đã nhận được những hình ảnh từ lần thứ hai này vào ngày 3/5. Khi kết thúc 22 vòng quay, tàu sẽ tự phá hủy rồi lao vào bên trong các tầng khí của Sao Thổ vào ngày 15/9 tới.
Cái chết này đã được tính toán từ trước, NASA không muốn nó lao vào vệ tinh Enceladus hay Titan, vì không muốn làm ô nhiễm môi trường còn sơ khai nơi đây. Hai vệ tinh này có thể có một đại dương nước lỏng và có tiềm năng tồn tại sự sống, NASA sẽ nghiên cứu hai vệ tinh này trong tương lai.
Theo khampha