NASA hoãn sứ mệnh thăm dò sao Hỏa

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hôm qua quyết định lùi kế hoạch phóng tàu thăm dò MSL lên hành tinh Đỏ dự kiến diễn ra vào năm tới, do gặp vấn đề về phần cứng và thử nghiệm. 

Mô hình tàu thăm dò tự hành MSL. Ảnh: Webgis.

NASA sẽ rời thời điểm phóng tàu chở thiết bị thăm dò MSL (viết tắt của cụm từ Phòng thí nghiệm sao Hỏa) tới cuối năm 2011. Thiết bị này sẽ ứng dụng các công nghệ mới nhất để khám phá liệu có từng tồn tại sự sống của vi khuẩn trên hành tinh Đỏ hay không. Sự trì hoãn có thể làm tốn thêm 400 triệu USD và tổng chi phí cho sứ mệnh này sẽ lên tới 2 tỷ USD.

Ngày phóng tàu MSL bị thay đổi sau khi các nhà khoa học và kỹ sư tham gia dự án tiến hành đánh giá tiến triển của công việc trong 3 tháng qua. Giám đốc NASA Michael Griffin cho biết: “Cố gắng thực hiện sứ mệnh trong năm 2009 sẽ đòi hỏi chúng tôi phải chấp nhận quá nhiều mạo hiểm, nhiều hơn những gì tôi nghĩ là phù hợp với một sứ mệnh có tầm quan trọng hàng đầu”.

“Dù nỗ lực làm việc đã được huy động tối đa bằng nhiều ca do một nhóm tận tụy thực hiện, tiến triển trong những tuần gần đây đã không đủ nhanh để giải quyết các thách thức về kỹ thuật và sự ăn ý của các phần cứng”, giám đốc Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA là Charles Elachi tiết lộ. “Hành động đúng đắn và thông minh vào lúc này là phóng tàu vào năm 2011”.

Tàu MSL sẽ sử dụng các công nghệ lần đầu tiên được biết tới nhằm điều chỉnh hoạt động bay của nó khi đi xuống tầng khí quyển của sao Hỏa. Nó sẽ thả thiết bị thăm dò tự hành lên bề mặt hành tinh này bằng cách hạ thấp dần từ một sợi dây gắn trên thiết bị bay lơ lửng.

Tàu thăm dò tự hành MSL được thiết kế để có thể di chuyển một quãng đường xa hơn trên bề mặt gồ ghề của hành tinh Đỏ so với các thiết bị trước đó. Nó cũng gắn số thiết bị có tổng trọng lượng lớn gấp 10 lần so với thiết bị của hai tàu thăm dò sao Hỏa trước đây của NASA là Spirit và Opportunitiy Mars. Các kỹ sư đang phải vật lộn với việc lắp các cơ cấu chuyển động vô cùng phức tạp của MSL, gồm các motor đẩy tàu đi, quay các bánh và điều khiển cánh tay robot. 

Thử nghiệm mô hình tàu MSL trong phòng thí nghiệm. Ảnh: BBC.

Trưởng nhóm các nhà khoa học của NASA Ed Weiler cho biết, ông đã có các cuộc thảo luận với Cơ quan không gian châu Âu (Ấ) về việc tiến hành những sứ mệnh chung tới sao Hỏa trong tương lai. Ông cho rằng chi phí quá lớn cho các sứ mệnh như thế này sẽ khiến việc hợp tác là không thể tránh khỏi.

Hồi đầu tháng này, NASA đã mất liên lạc với tàu thăm dò sao Hỏa Phoenix, con tàu từng tìm thấy những bằng chứng về sự tồn tại của nước trên hành tinh Đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc sứ mệnh kéo dài 5 tháng của tàu chấm dứt. Phoenix đột ngột ngừng liên lạc sau khi một cơn bão bụi khiến nó không thể lấy ánh sáng mặt trời để tạo ra điện.

 

Theo VnExpress (BBC)