Tôi nhớ ngày nhỏ, mỗi lần tôi có điều bực bội với ai đó là tôi đều kể mẹ nghe. Và mẹ thường xoa dịu rồi khuyên tôi hãy bỏ qua những vướng mắc trong lòng, bỏ qua thực sự. Nghĩa là không đay đả, nghĩa là không tiếc nuối, buồn phiền, không nhìn đến những “dấu vết” cũ mà oán giận. Mẹ khuyên chúng tôi để cái công sức giận dữ ấy mà thu xếp lại công việc, thời gian, mà sắp đặt, tính toán và học hỏi. Bởi lẽ, cái ta cần, không hẳn chỉ là sự tha thứ cho người khác, mà là sự buông tha cho chính bản thân mình. Chỉ khi nào ta thanh thản buông tha, không phải cho người mà là cho chính những đau khổ của mình, ta mới biết hi vọng đến những điều tươi sáng.
Ngày tôi đi lấy chồng, mẹ bảo, chồng cũng chỉ là một thực thể ngoài mình, không nên mong đợi điều khiển hay chi phối, cũng đừng bao giờ suy nghĩ chồng phải đưa tiền về nuôi con, phải chu cấp hay sắm sửa cho mình, khi không có thì sinh oán trách. Bởi lẽ sinh con hay không là quyền quyết định của ta và là trách nhiệm của ta với con của mình. Nếu thuận buồm xuôi gió, chồng có chút của nả cho con thì trân trọng, còn không được thì cũng phải tính trước khả năng tự lập. Mẹ bảo, thời bây giờ của tôi, đâu đến nỗi đói ăn rách mặc mà phải kỳ kèo nhau. Làm thế mình nhỏ nhen đi, nhất là con cái biết được sẽ nặng lòng, cho rằng vì mình mà bố mẹ, gia đình mất vui.
Về sau, cha mẹ tôi không còn sống với nhau, mẹ về sống trong ngôi nhà nhỏ bà ngoại để lại. Vào độ tuổi đã ở ngũ tuần, mái đầu đã bạc, mẹ lại cần mẫn dậy sớm thức khuya làm vườn, chăm nom nhà cửa, nuôi nấng con gà con vịt. Mẹ không có gì để giữ riêng, dù đã gần 30 năm cố gắng đến kiệt cùng lao động vun đắp cho công danh của bố. Nhưng trước những thú vui phá tán tài sản cũng như sự độc đoán, vũ phu của bố, mẹ tôi, tưởng như đã chấp nhận chôn vùi cả cuộc đời mình ở đó, khi chúng tôi trưởng thành, lại quyết định viết giấy ly hôn. Mẹ không trông đợi gì việc bố chia cho mẹ một phần nào tài sản, nhưng cũng hoàn toàn không bao giờ mong chúng tôi trách móc, nghĩ ngợi những điều không hay. Mẹ bảo, mọi thứ là duyên phận, chúng tôi không thể chọn cha của mình, còn mẹ thì đã từng có thể chọn nhưng lại chọn nhầm, cũng mừng là mẹ và mấy anh chị em chúng tôi tự lập để gây dựng mọi thứ cho mình chứ không nhờ đến bố. Mẹ bảo, hãy để cho chính mình được yên! Đừng đem người khác ra mà oán giận, làm thế khác gì đem chính ruột gan mình ra mà nghiến, mà đay.
Trong ký ức của chúng tôi, không có ở đó một người cha yêu thương mình, nhưng cũng không có hình hài của những lời trách móc. Mẹ đã làm tất cả, đã cố gắng tận cùng. Và khi không thể nào cố gắng được hơn, mẹ tôi bình thản ra đi, không một lời trách than. Mẹ chấp nhận mọi thứ như thể điều hiển nhiên phải thế. Coi mọi thứ như một nhân duyên. Nhưng mẹ tự cho mình cái quyền quyết định có gắn mình vào nhân duyên ấy hay không. Dù đi hay ở, dù được hay mất, mẹ cũng chưa bao giờ bộc lộ ra chút than thở nào. Mẹ sống với cha rồi mẹ để cha ở lại, và mẹ rời xa nhẹ nhàng. Mẹ như một “tấm bình phong” che chắn cho những đứa con khỏi những ồn ào náo động của gia đình. Mẹ như một ngọn lửa được nhen nhóm riêng và sưởi ấm riêng trong lòng con trẻ. Mẹ như một khoảng nước yên lành cuốn đi và rửa trôi hết những bụi bặm khỏi suy nghĩ của chúng tôi trong những ngày non dại. Không phải theo cách lừa dối, ru ngủ tinh thần các con, mà theo cách bình thản chấp nhận và tha thứ, cũng là dạy con mình tha thứ. Tha thứ để lặng yên mà thu xếp chính cuộc đời mình, thu xếp sao cho thật ổn thỏa mà vươn lên, không để những ồn ào níu kéo chân mình.
Gần đây, những câu chuyện nhà “sao” ồn ào trên mạng, dù không tò mò thì người ta vẫn thấy các sao tự phô lên báo chí, tố nhau chuyện con cái, tiền nong, ngoại tình… Chuyện vợ chồng có đám cưới tổ chức hoành tráng mà cuối cùng lại rêu rao lẫn nhau không phải vợ/chồng. Chuyện những người cha bị cách ly ra khỏi con mình. Chuyện những người đã từng là vợ, tố chồng cũ của mình vô trách nhiệm với con. Chuyện đánh ghen, chửi bới tục tằn, một mực bênh chồng mình “đã muốn quay đầu”, tất cả chỉ tại người thứ 3… Góp phần vào những ồn ào ấy, nhiều người nói có sự vụ lợi của những người làm công việc truyền thông, nhưng không thể phủ nhận sự nông cạn, hớ hênh của những người trong cuộc.
Nói ra điều này, tôi cũng rất e ngại những lời phản ứng tiêu cực từ phía độc giả. Nhiều người phụ nữ tự cảm thấy mình mạnh mẽ, táo tợn đến độ “chẳng sợ gì”. Họ thích nói, thích khoe, thích kể chuyện nhà lên báo mạng, trên facebook. Họ không phủ nhận ý định gây chú ý, và tự cho mình cái quyền gây chú ý theo cách mà mình muốn. Họ nghĩ họ có quyền tự do và đám đông công chúng chỉ có cái quyền duy nhất là chấp nhận và yêu thương họ, nếu không thì đám đông công chúng ấy cũng không có quyền lên tiếng và chỉ trích. Cứ thế, ngày nào tôi cũng thấy “lời qua tiếng lại” của các cặp đôi “đấu đá” lẫn nhau.
Họ đã không để cho chính mình được yên. Nhưng tệ hơn, họ đã không tôn trọng đến cả cái quyền được yên, được bảo vệ sự riêng tư của chính con cái mình. Sẽ thế nào khi đứa trẻ chưa kịp lớn lên đã bị đẩy vào cuộc chiến của cha và mẹ. Những đứa trẻ như vậy thường bị tác động rất nhiều từ “phe” của người nuôi dưỡng các em, vô tình sẽ đánh giá không tốt về “phe” còn lại. Sự đánh giá này có thể hoàn toàn đúng, có thể chính “phe” kia là những người không tốt, đã bỏ rơi em và “xù” nốt “khoản nợ” hàng tháng để chu cấp cho em. Nhưng ngay cả khi những đánh giá, nhận định về “phe” sai trái kia là đúng, thì trẻ em sẽ lớn lên và học hỏi được gì, từ những hận thù? Chưa kể, trong một cuộc “chiến tranh”, dễ gì đánh giá bên đúng bên sai? Nhất là khi “cuộc chiến” ấy có cả những chiêu thức “thổi phồng”, “bẻ quặt”, “bới móc”… từ truyền thông, thì sự đổi trắng thay đen, sự nói không thành có, sự nói quá để vụ lợi cũng không phải là không có…
Vẫn biết ai cũng là con người, ai cũng dễ xúc động, dù là người nổi tiếng hay không cũng có quyền chia sẻ, để được nghe những lời động viên. Nhưng có khi nào những cặp đôi tai tiếng ấy trung thực với mình, rằng họ đang cãi cọ ầm ĩ trên báo vì điều gì? Có thực sự vì họ cần chia sẻ, hay vì chính họ chẳng bao giờ biết lắng nghe và chia sẻ với ai, nên chuyện mới nên nỗi ầm ĩ và trơ trẽn?
Tôi không chắc cuộc đời sẽ dành cho tôi những ngã rẽ nào. Không thể biết một ngày người đàn ông tôi vẫn gọi là chồng, có còn trở về ngôi nhà này, với tôi và con gái mình không. Tôi cũng có thể sẽ ra đi với con và hai bàn tay trắng. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng mình sẽ đặt mọi thứ xuống, nhẹ nhàng, và thanh thản bước đi. Không phải vì tôi, mà vì sự thanh thản cho con của mình…
Lê Nguyên
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.