Ở Việt Nam, có lẽ Huế là nơi vẫn còn giữ được nhiều ngôi nhà rường truyền thống nhất bởi lẽ Huế là cố đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Thông thường, những ngôi nhà rường thường tập trung ở những khu vực mà ngày xưa các quan lại triều đình sinh sống như Thành Nội, Vỹ Dạ, Thuỷ Biều, Phước Tích… Thế nhưng, có một người con của đất cố đô đã tái hiện lại những ngôi nhà rường truyền thống Huế nằm trên triền đồi với rừng thông reo trong gió và những con đường dốc quanh co chạy dài. Đó là tổ hợp công trình trong khuôn viên rộng gần 1,5 ha của nữ doanh nhân – nữ hoạ sĩ tài ba Bội Trân nằm trên đồi Thiên An, cách trung tâm thành phố 10 km về phía Nam.
Bước qua cánh cửa gỗ có ghi tên chủ nhân ngôi nhà, chúng tôi bước vào một khuôn viên rộng lớn với cây xanh và những công trình cổ đan xen nhau.
Những tia nắng hắt qua kẽ lá, trải những vệt dài trên con đường dẫn vào ngôi nhà chính.
Ngôi nhà này là nơi ở của các thành viên trong gia đình vào những dịp lễ hay cuối tuần, nhà gồm 2 tầng, được thiết kế theo kiến trúc cổ Việt Nam kết hợp với một vài chi tiết kiến trúc cổ điển Châu Âu. Sở dĩ có sự pha trộn này là do chủ nhân ngôi nhà thường có những chuyến công tác xa nhà tại những vùng đất mới, và Châu Âu là nơi cô thường ghé qua nhất. Mỗi chuyến đi cô lại không ngừng quan sát, ghi lại để rồi áp dụng vào chính ngôi nhà của mình.
Các thức cột gỗ và bê tông được kết hợp khéo léo với nhau làm sao vừa giữ được nét truyền thống lại vừa cách tân, sang trọng. Sự pha trộn này không những mang lại nét độc đáo cho ngôi nhà, mà còn đem đến những không gian thú vị cho chính những thành viên trong gia đình.
Tầng trệt của ngôi nhà được bài trí như một phòng trưng bày tranh (gallery) và sách về nghệ thuật.
Thỉnh thoảng, nơi đây lại biến thành một phòng tiệc lớn để thiết đãi những vị khách quan trọng.
Sau khi tham quan ngôi nhà chính, chúng tôi nhìn thấy một lối mòn nhỏ dẫn sang một ngôi nhà khác. Đó là một ngôi nhà rường với chất liệu gỗ truyền thống, lợp ngói liệt nằm một mình, lặng lẽ khuất sau những tán cây. Ít ai biết rằng bên trong ngôi nhà này là cả một câu chuyện buồn của chủ nhà.
Đây là nơi để thờ người con trai của cô – người đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ trong một lần xả thân cứu bạn. Không gian tĩnh tại của ngôi nhà gợi lên một cảm giác man mác buồn và nhuốm màu hoài niệm bởi những bức ảnh của cậu con trai được treo bên trong ngôi nhà, tái hiện lại khoảng thời gian lúc anh còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành …
Phía sau vẻ mạnh mẽ, kiên cường của một người mẹ là cả những đau thương và mất mát lặng thầm, cũng chính vì vậy mà tranh của Bội Trân chỉ thể hiện một chủ đề duy nhất là tranh vẽ thiếu nữ. Có lẽ cô đã sống nhiều và trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc của cuộc sống để vẽ lên được nỗi niềm, tâm tư của người con gái trong tranh.
Những con đường lát gạch, dẫn chúng tôi đến ngôi nhà sàn 2 tầng phía sau, đây là ngôi nhà dành riêng cho khách, những vị khách có thể là khách du lịch nước ngoài hoặc là những người bạn của chủ nhà.
Nội thất bên trong ngôi nhà vẫn giữ nét cổ kính và sang trọng, với tầng 1 là nơi khách có thể ngồi trò chuyện, thư giãn, và tầng 2 được ngăn ra thành các phòng nhỏ để khách qua đêm.
Hành lang tầng 2, dẫn vào các phòng ngủ cho khách.
Tản bộ trong khuôn viên ngôi nhà, chúng tôi bắt gặp những chòi nghỉ nhỏ được thiết kế hài hoà với các công trình xung quanh, là nơi dừng chân để nhâm nhi một ngụm trà, lặng ngắm cảnh sắc thiên nhiên trong bầu không khí trong lành, yên tĩnh.
Không đơn giản chỉ là xây nhà để ở, Bội Trân đã khéo léo tạo nên một không gian cổ kính, đậm chất Việt, góp phần giới thiệu nét đẹp xứ Huế đến với du khách nước ngoài. Và đây cũng là nơi lý tưởng để các thành viên trong gia đình thư giãn, tìm lại nguồn cảm hứng sáng tác, làm việc sau những bộn bề của cuộc sống.
Bài và ảnh: Quỳnh Hương
(Theo Congluan.vn)
(Theo Congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.