Nếu hộp sọ nguyên mẫu Mona Lisa biết cười

Nếu hộp sọ nguyên mẫu Mona Lisa biết cười

Một nhóm các nhà khoa học Italia đang có kế hoạch ghép lại hộp sọ của Lisa Gherardini, người phụ nữ Italia ở thế kỷ 15 được cho là nguyên mẫu trong kiệt tác nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci. Mục đích của việc này là nhằm đi đến kết luận liệu nụ cười bí ẩn trong bức họa có đích thực là của người phụ nữ này hay không.

Chưa một nghiên cứu khoa học nào khẳng định có thể mô tả xác thực nụ cười từ hộp xương sọ của chính người đó? Nhưng trên thực tế, từ phần xương sọ còn lại, vẫn có thể tạo dựng những nét phác thảo chính xác về miệng của một người. Vì góc môi của chúng ta thường dựa trên bờ rìa ngoài cùng của răng nanh, nên một hộp xương sọ có thể cho biết bề rộng của miệng. Góc và các điểm tiếp xúc giữa hàm trên và hàm dưới có liên quan tới cách thức hai bờ môi chạm nhau. Và men răng của một người trưởng thành sẽ cho biết về độ dày của đôi môi. Nếu những đặc điểm này không trùng khớp với các đường nét trên bức vẽ của Leonardo da Vinci, các nhà khoa học có thể đưa ra kết luận thuyết phục rằng Lisa Gherardini chẳng phải là “nàng thơ” của Leonardo da Vinci.

Sẽ là rất khó khăn để chứng minh giả thiết bà Gherardini chính là nguyên mẫu cho nụ cười huyền thoại của Mona Lisa. Hộp sọ của một con người lại cho biết rất ít về cách thức ai đó cười. Nhiều thớ cơ kiểm soát một nụ cười lại liên quan tới phần mềm hơn là xương, và nụ cười của mỗi người là một phản xạ có điều kiện, thay vì là sản phẩm tự nhiên của cấu trúc xương.

Nếu hộp sọ nguyên mẫu Mona Lisa biết cười
Các kỹ thuật tái tạo khuôn mặt được hy vọng sẽ vén
bức màn bí ẩn phía sau nụ cười nàng Mona Lisa.

Trong vài thập kỷ qua, ngành pháp y đã tiến một bước dài trong kỹ thuật tái tạo khuôn mặt. Các nhà khoa học hiện đã có thể tái tạo hình dáng khuôn mặt của ai đó, vị trí của mắt, độ dốc của mũi, hay đường cong quai hàm với độ chính xác tới vài milimét. Vấn đề là người ta khó lòng nhận dạng được ai đó từ một gương mặt được tái tạo từ rất nhiều nét. Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ quét y học để tạo ra hình ảnh ba chiều hộp sọ của một người đang còn sống, nhưng ngay cả đến thành viên trong gia đình của người đó cũng không thể nào chắc chắn là sẽ nhận ra được gương mặt tái tạo.

Trong một nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2001, các nhà nhân chủng học pháp y Ôxtrâylia đã sử dụng các công nghệ tái tạo để tạo ra 16 khuôn mặt từ 4 hộp sọ, rồi thách đố những nhà quan sát chưa có kinh nghiệm chọn ra bức ảnh một người đã qua đời từ một tập 10 bức ảnh. Rút cuộc, các nhà quan sát đã thất bại. Những người tham gia cuộc thử nghiệm này chỉ xác định được một trong số 16 gương mặt tái tạo nói trên.

Nếu hộp sọ nguyên mẫu Mona Lisa biết cười

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng cả những người quen biết cũng không khá hơn người lạ trong việc nhận dạng gương mặt tái tạo. Khoa học đã có bước tiến bộ vượt bậc trong thập kỷ qua, nhưng các nhà khoa học tái tạo pháp y vẫn chỉ thành thạo hơn ở việc tạo ra những hình ảnh giả thiết của tổ tiên loài người, thay vì những tái tạo trung thực hình ảnh gương mặt hiện đại.

Hơn nữa, kế hoạch tái tạo gương mặt của nàng Mona Lisa đời thực sẽ gặp phải những thách thức khác. Gherardini đã hơn 60 tuổi khi bà qua đời (khoảng năm 1551). Các chuyên gia tái tạo gương mặt đã có một vài kỹ thuật “chạy lùi” tuổi tác của ai đó, ví như đỉnh của lông mày, đặc điểm rõ thấy hơn cả ở người già. Nhưng điều quan trọng là hộp sọ Gherardini lại thiếu răng. Nếu nướu răng của Gherardini đã trơ trụi khi bà qua đời, điều đó sẽ làm phá sản ý đồ tái tạo miệng của bà.

Cuối cùng, dù Leonardo da Vinci có nổi tiếng về tài chỉnh sửa, “giải phẫu” ảnh chân dung, thì Mona Lisa vẫn chỉ là một bức họa. Vẫn không rõ Leonardo muốn xây dựng một tác phẩm hình ảnh theo thuyết duy thực, hay một phiên bản chủ đề được hình tượng hóa. Hơn nữa, Leonardo đã miệt mài thực hiện bức họa này trong nhiều năm, điều đó khiến nhiệm vụ tái tạo một cách trung thực mọi góc cạnh trong gương mặt “nàng thơ” của ông là cực kỳ khó khăn.

 

Theo Báo Tin Tức