“Ngại nhất là nói chuyện với mấy đứa thất nghiệp!”

“Ngại nhất là nói chuyện với mấy đứa thất nghiệp!”

Nói thật, nói chuyện với mấy người đó tôi cứ phải uốn lưỡi mấy lần để tránh không làm tổn thương tụi nó, thế nhưng lại có những đứa tôi chỉ muốn vỗ vào mặt vì cái thói sống ảo không thể ngửi nổi!

Tôi có nhiều bạn bè đang trong tình trạng thất nghiệp, nói trắng ra là ăn bám gia đình thường niên, có đứa còn chưa bao giờ từng đi làm để kiếm tiền bằng sức lao động chân chính. Tốt nghiệp cấp 3, đứa thì chạy, đứa thì ném hồ sơ vào mấy cái trường làng nhàng chẳng cần thi cũng đỗ, học hành cho gọi là để thiên hạ nhìn vào thấy mình cũng là sinh viên, cũng là đứa có tri thức này nọ.

Học hành láng cháng, chẳng phải lo kinh tế vì nghiễm nhiên là bố mẹ phải lo rồi. Học xong, cầm mảnh bằng vớ vẩn ấy, với cái Tôi to tướng và tư duy sống dựa, ỷ lại quen thói, năng lực là một con số 0 tròn trĩnh. Hỏi có công ty nào dám “rước voi về dày mả tổ”?

“Ngại nhất là nói chuyện với mấy đứa thất nghiệp!”

Thế là ở nhà bệ rạc, suốt ngày ngủ “trương thây” đến nửa ngày mới dậy, lại ngửa tay xin bố mẹ mấy đồng, mẹ cho ít thì phụng phịu đòi thêm, đòi không được thì đá thúng đụng nia rất bố láo. Ra đường ngồi vỉa hè uống trà đá, café nhìn đời và chém gió tiền tấn tiền tỷ. Nói thật, khi buộc phải giao lưu với mấy đứa nó, tôi mệt lắm!

Nhà tôi và nhà chúng nó như nhau về điều kiện kinh tế, tôi chỉ khác một cái là bố mẹ dạy phải biết tự lập từ nhỏ, chuyện lớn chưa làm được thì làm chuyện nhỏ, bố mẹ tôi không chiều con, cũng không dung túng nếu tôi làm sai. Hết cấp 3, tôi học cũng khá, bố tôi gọi lại bảo “bây giờ đủ tuổi bỏ phiếu rồi, là người trưởng thành rồi, muốn đi học hay đi làm thì tự quyết. Bố mẹ không thể đi theo con cả đời được!”.

Nói thật khi nghe những lời ấy, tôi cũng sốc lắm! Mường tượng ra cái cảnh không được nuôi “báo cô” nữa, phải đi kiếm tiền nếu muốn đi học, mà làm gì bây giờ? Tôi cũng hoang mang. Tham khảo trối chết các thông tin cho sinh viên vay tiền đi học, tôi quyết tâm vừa học vừa đi làm thêm, bố mẹ vẫn cho ở chung nhà nên không mất tiền thuê trọ, thế là may rồi!

Bạn bè biết chuyện cứ trách móc bố mẹ tôi tàn nhẫn, thú thực nhiều lúc nhìn chúng nó được bố mẹ nâng như nâng trứng, tôi cũng thấy tủi thân. Thế nhưng bây giờ, tôi ngộ ra quá nhiều điều khi được tiếp thu cách giáo dục “tàn nhẫn” của bố mẹ, để tôi có thể tự sống, tự bươn chải ở đời, học được bao nhiêu kĩ năng sống mà khi ở cùng bố mẹ, được bố mẹ bao bọc tôi đã không thể có được những bài học quý giá ấy!

Ra trường đi làm, tôi đã có kinh nghiệm và dạn dày hơn những bạn cử nhân mới ra trường khác. Nói năng giao tiếp, công việc, ứng xử xã hội…nhìn chung môi trường 4 năm đại học kết hợp kiếm sống của mình đã cho tôi rất nhiều. Nhìn lại mình, nhìn lại mấy đứa bạn xưa học cùng, tôi không coi thường gì cả, chỉ là thấy mệt mỏi khi cứ phải xã giao với những con người vô dụng nhưng cứ mở miệng ra là nói lời tiêu cực, mở miệng ra là đổ lỗi cho tất cả…

“Ngại nhất là nói chuyện với mấy đứa thất nghiệp!”

Cuối tuần mấy ông ẻm hay rủ nhau đi trà chanh trà đá, câu đầu tiên hỏi “mày dạo này thế nào? Lương bao nhiêu? Đủ ăn không?”. Đứa nào chơi thân thân tôi trả lời thật thì mặt ỉu xìu “ngon nhỉ? Tao vẫn thất nghiệp đây, chán lắm!”. Hỏi đã từng làm ở đâu chưa mà thất nghiệp thì nó trả lời là chưa, tức là từ sau khi ra trường đã 3 năm ngày nào cũng ngửa tay xin mẹ mấy đồng rồi ra tính con lô con đề ở quán trà đá, ngắm nghía cuộc đời rồi than thân trách phận. Tôi bảo “sao không đi xin việc?” thì bảo “biết làm gì đâu mà xin?”. Nghe xong, tôi chỉ còn biết thở dài. 25 tuổi rồi, sức dài vai rộng, vậy mà không thể làm để nuôi được cái miệng, chán…

Có mấy đứa lâu không gặp, trước chơi cũng không thân. Thi thoảng vô tình gặp thì bá vai bá cổ lại hỏi chuyện lương, tôi cũng chỉ khiêm tốn nói là đủ ăn thì các cậu ấy phẩy  tay “thanh niên giờ đi làm mà đủ ăn là vứt, làm là phải làm lớn, không thì thôi, không có chí lớn thì không thể làm người đàn ông vĩ đại được!”. Rồi các ông ẻm hào hứng kể ra những bản kế hoạch vĩ mô bất khả thi của mình rồi chắc nịch “sẽ có người thích bản kế hoạch này” rồi kêu gọi vốn đầu tư tiền tỷ. Nhân vật viết ra cái bản kế hoạch đó tốt nghiệp trầy trật cấp 3, trượt đại học, tham gia đa cấp và chế tạo cả “bom” nữa, suốt ngày “nổ” trên facebook đến mức tôi cứ tưởng cậu ta phải nhập viện tâm thần đến nơi để chữa chứng hoang tưởng.

Nói chuyện với mấy đứa tiêu cực đã nản, nói chuyện với tụi sống ảo còn đau đầu hơn. Những lúc “vô phúc” gặp phải chúng nó, tôi toàn phải trả tiền nước vì đứa nào cũng bảo “quên ví ở nhà!”. Thật nản cho mấy đứa chỉ biết ở nhà buôn chuyện mà không biết làm biết ăn.

Nam Chính

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.