Âm nhạc trông giống như thế nào? Đó không phải là một câu hỏi ngớ ngẩn bởi, với công cụ khoa học mới mang tính cách mạng, lần đầu tiên người ta tạo ra những hình ảnh tuyệt đẹp được ghi qua những nốt đàn piano.
Theo đó, thiết bị CymaScope sử dụng camera độ nét cao để theo dõi ảnh hưởng của rung động đặc biệt từ một âm thanh riêng lẻ trong môi trường nước tinh khiết. Do sức căng bề mặt của nước, những giai điệu của âm thanh đặc biệt sẽ tạo ra dấu ấn độc đáo trong nước trông giống như một bông tuyết; 2 âm thanh khác nhau thể hiện bằng 2 hình ảnh không giống nhau. Nghệ sĩ Shannon Novak người New Zealand đã ghi hình ảnh các nốt nhạc piano, phóng kích cỡ của chúng lên thành 12 bức tranh âm nhạc. Ông nói với báo Daily Mail: “Tôi luôn bị mê hoặc với việc mô tả âm thanh thông qua màu sắc và góc độ hình học”. Với Novak thì công nghệ cymatic là một trong những phương pháp đại diện độc đáo; là cách nối kết để hiểu mối liên hệ giữa âm thanh, màu sắc và định dạng hình học.
CymaScope bắt đầu phát triển hồi năm 2002. Những nguyên mẫu ban đầu là màng PVC mỏng, tròn, sau đó loại công cụ với mủ cao su được sử dụng trước khi có bước đột phá là thể hiện hình ảnh với nước tinh khiết. Viết trên trang web Cymascope.com, đồng tác giả John Stuart Reid và Erik Larson giải thích: “Nếu mắt của chúng ta nhìn thấy âm nhạc thì chúng ta sẽ không nhìn thấy sóng âm như người ta thường nghĩ. Nhưng đó là những bong bóng đẹp bởi giao thoa ba chiều, lung linh mô hình kính vạn hoa trên bề mặt của chúng”.
Với sự phát triển của CymaScope, các nhà phát minh đã nhận ra một loạt các ứng dụng tiềm năng từ vật lý học thiên thể đến động vật học. Một trong những điều thú vị nhất đối với “nhìn ngắm âm thanh” liên quan đến dự án giải mã ngôn ngữ cá heo. Theo đó, CymaScope có thể dịch một cách hiệu quả âm thanh của cá heo vào hình ảnh. Mỗi hình ảnh đại diện cho một từ mà cá heo dùng cho một đối tượng nhất định. Khi đã có kho từ vựng âm thanh của cá heo thông qua hình ảnh, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể tổ chức các cuộc hội thoại thô sơ bằng cách sử dụng máy tính chuyển đổi từ ngữ của con người vào ngôn ngữ cá heo và ngược lại.
Jack Kassewitz – nhà nghiên cứu cá heo tại Miami (Mỹ) – đã sử dụng CymaScope để ghi lại những âm thanh của cá heo phản ảnh phạm vi của các đối tượng, bao gồm một khối lập phương bằng nhựa, một con vịt đồ chơi và một lọ hoa. Ông nhận thấy cá heo có thể tái xác định các đối tượng với tỷ lệ chính xác 86% khi cho chúng xem lại những vật thể đó. Cuộc thử nghiệm được tiếp tục với những con cá heo được nuôi ở những nơi khác và chúng cũng xác định được các đối tượng thành công với tỷ lệ tương tự. Điều này cho thấy cá heo có một ngôn ngữ phổ quát.
Theo Thanh Niên