Trong những khu phố tấp nập của Hà thành, nơi không gian sống chỉ bó buộc trong các ngôi nhà hình hộp thì việc sở hữu một khu vườn xanh mát quả là điều xa xỉ. Thế nhưng, chỉ cần một chút hiểu biết về cây cối là đã có thể biến tầng mái trở thành khu vườn mùa hạ quanh năm cho trái ngọt, hoa thơm. Thông thường họ sẽ mua và để trong nhà vài cây xanh phong thủy như kim phát tài, vạn niên thanh… hoặc lãng mạn thì đặt mấy chậu hoa tươi nơi ban công. Nhưng không phải ai cũng nghĩ tới việc trang hoàng cho toàn bộ tầng mái nhà mình cả giàn cây leo bởi nó sẽ tốn công chăm sóc hơn rất nhiều. Với người ưa đơn giản thì sẽ chọn trồng các loại hoa dễ sống như ti gôn, mai hoàng yến, bìm bìm… nhưng các loại này thì “đỏng đảnh”, chỉ đẹp mỗi mùa xuân với mùa hè, hết hoa là cây héo, coi như phải đợi đến mùa sau.
Gia chủ nào phải chịu chơi, khéo léo, tỉ mẩn lắm mới dám trồng các loại cây leo giàn như mướp, bầu hồ lô… Bầu hồ lô không chỉ trồng cho vui, cho đẹp mà bầu hồ lô còn có ý nghĩa phong thủy rất tốt. Nó được coi là vật phẩm phong thủy quyền năng nhất, giúp hóa giải vận xấu và tăng cường vận may. Hồ lô còn biểu trưng cho linh hồn tổ tiên, của phúc lộc và tài vận. Vì vậy, việc sở hữu cả giàn hồ lô xanh tươi ngoài yếu tố làm đẹp còn mang lại những điều may mắn cho gia chủ.
Emđẹpđã có dịp tìm đến tận nơi một khu vườn hồ lô đan xen với mướp ở trên tầng mái của một ngôi nhà nằm ngay giữa lòng Hà Nội để nghe chủ nhân của khu vườn chia sẻ về những kinh nghiệm hữu ích. Ở thời điểm này, giàn cây đang xanh mướt, sum suê lá và hoa, lủng lẳng những quả mướp lớn nhỏ và những quả hồ lô hình dạng vui mắt.
Những cây này thường được chủ nhà lựa chọn hạt giống cẩn thận, chọn tiết trời ấm áp tháng 3 hoặc đầu tháng 4 để gieo hạt. Gặp thời tiết tốt hạt nảy mầm thành chồi rồi cây con. Để giữ độ tơi, độ ẩm của đất, người ta thường phủ lên 1 lớp vỏ trấu. Cách thức tưởng chừng đơn giản này lại ủ cho hạt mau nảy mầm hơn. Cần phải thật chú ý đến nước cho cây, bởi lẽ những cây này rất ưa nước. Ngoài việc cần tưới đủ lượng nước 1 ngày 1 lần thì nên làm đường ống dẫn nước để cây lúc nào cũng được tưới tắm. Dù vậy, nghe có vẻ khó nhưng hoàn toàn có thể tận dụng thùng xốp để trồng cây này.
Với cây bầu hồ lô, dinh dưỡng cho cây không phải là chuyện có thể coi thường. Nếu hiểu về độ pH của đất và nắm rõ tính chất của phân bón thì có thể sử dụng nó để làm giầu cho đất mầu. Còn đơn giản hơn thì có thể sử dụng luôn nước vo gạo để tưới mà cây vẫn đủ chất và tươi xanh, lại chẳng tốn công.
Chuyện giữ đủ nước cho cây cần làm thật kĩ càng. Vào mùa hè nắng nóng liên miên thì điều này lại càng cần hơn nữa. Đến lúc cây sinh trưởng và bắt đầu leo lên, gia chủ sẽ làm giàn cho cây. Có thể trồng chung bầu hồ lô với mướp hương một giàn. Nếu không có nhiều thời gian, cây leo đến đâu thì làm giàn đến đấy, nhưng nếu có quy hoạch tổng thể cho vườn thì nên làm giàn trước, và thường xuyên lưu ý cắt bớt những nhánh cây vươn ra lung tung.
Sau khoảng 3 tháng gieo hạt, đến khoảng tháng 6, tháng 7 cây sẽ bắt đầu ra hoa kết trái, mùa quả rộ là vào tháng 9. Mướp sẽ đầy giàn ngát hương thơm, bầu lủng lẳng xinh xắn rất vui mắt. Lúc này tùy ý chủ nhà để trang trí hay để ăn mà thu hái cho phù hợp.
Nếu để bầu hồ lô quá 1-2 tháng mà không thu hoạch, tức là đến khoảng tháng 10, sẽ được những quả bầu già. Loại này bỏ ruột, phơi khô đựng rượu nếp quê sẽ cho ra loại rượu thơm lừng khó tả. Còn mướp già để lấy hạt làm giống cho mùa sau, xơ mướp giao lại cho các bà nội trợ dùng cho việc dọn dẹp cũng rất tốt.
Sở hữu một khu vườn đã khó, sở hữu một vườn cây xanh tươi giữa thành phố còn khó hơn. Chỉ có sự đam mê với vườn tược, yêu quý từng chiếc lá, ngọn cây mới có thể tự gây dựng được cho mình một khu vườn trĩu hoa trái như thế.
Xin cảm ơn sự giúp đỡ của chú Thắng – chủ vườn hồ lô giữa lòng Hà Nội đã cung cấp những thông tin bổ ích trên.
Tuyết Trương
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.