Ngắm nghía loài “nấm thần chết” ở Việt Nam

Ngắm nghía loài

Thần chết là biệt danh của loài nấm độc tán trắng (Amanita verna) phân bố ở vùng phía Bắc Việt Nam, có độc tính amanitin cực kì nguy hiểm.


Amanita verna còn được biết đến ở châu Âu với tên gọi “nấm của kẻ ngốc”, “thần hủy diệt mùa xuân” hay “thần chết”. Loại nấm này có quan hệ họ hàng gần gũi với nấm tử thần (Amanita phalloides) thuộc giống nấm Amanita.


Amanita verna thường mọc nhiều vào mùa xuân. Tại Việt Nam, nấm độc tán trắng được phân bố ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ. Nấm mọc thành từng cụm ở các khu rừng tre, trúc, cọ, vầu và một số nơi có cây mọc thưa.


Đặc điểm bề ngoài của loài nấm này điển hình với mũ nấm màu trắng, bề ngoài mũ nhẵn bóng, có đường kính 5 – 10 cm khi trưởng thành. Phiến nấm, cuống nấm đều có màu trắng, chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm mềm, màu trắng và đặc biệt có mùi thơm dịu. Việc phân biệt nấm độc tán trắng với nấm trắng thường rất khó.


Nấm độc tán trắng chứa hàm lượng cao chất độc amanitin (amatoxin) khiến người ăn phải sẽ có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy toàn nước nhiều lần, sau đó là suy gan, suy thận, hôn mê. Không được chữa trị kịp thời có thể sẽ tử vong.


Kinh sợ hơn là chất độc amatoxin có trong nấm thần chết không thể loại bỏ được bằng các phương pháp như nấu ăn, đun sôi hay nướng. Thậm chí làm lạnh hoặc sấy khô chất độc cũng không bị tiêu tán khỏi nấm.


Theo một nghiên cứu trên Slate.com, khi vô tình ăn phải loại nấm này, 60% chất độc amatoxin của nấm sẽ đi thẳng vào gan. Cả các tế bào gan bị ngộ độc lẫn khỏe mạnh đều đẩy amatoxin đi vào mật, sau đó tập trung ở túi mật. Khi người ngộ độc ăn uống hàng ngày, chất độc sẽ tiết ra từ mật vào ruột, sau đó lại được tái hấp thụ trở lại vào gan. Quá trình đó lặp đi lặp lại trong chu kỳ ngộ độc.


Còn lại 40% chất độc amatoxin của nấm sẽ được đẩy tới thận. Nếu thận khỏe có thể đẩy amatoxin ra khỏi máu và đưa tới bàng quang giúp giảm tải chất độc cho cơ thể.

 

Theo Khoa học và Phát triển