Cần Thơ là một thành phố nằm trên bờ phải sông Hậu, ở đồng bằng sông Cửu Long và con người nơi ấy đã góp phần cùng thiên nhiên làm nên nhiều danh thắng nổi tiếng cả nước.
-
1
Chợ nổi Cái Răng
Đây là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền vì thực tế cũng không thể rao khi tiếng sóng, tiếng máy nổ liên tục và khó có thể áp mạn với xuồng khác để xem bán hàng gì.
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Campuchia và Trung Quốc. Lại cũng có những ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo, nhu yếu phẩm…
-
2
Làng cổ Long Tuyền
Mang đậm dấu ấn làng cổ miệt miền, nằm ở tây nam TP Cần Thơ – nơi “đất lành”, nhiều nhà văn hóa có tiếng đất Nam Bộ đã sinh ra ở đây, Long Tuyền rất thu hút du khách.
Ở làng có đến 6 di tích cấp quốc gia, chiếm gần một phần ba số di tích quốc gia cả tỉnh Cần Thơ. Trong đó, đình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu, được dựng lên từ thuở “khai sinh lập địa” (1844), có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000 m2) trong các đình làng Cần Thơ, phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Long Tuyền. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần; không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang).
-
3
Chùa Nam Nhã
Chùa Nam Nhã, do lão Thái Nguyễn Giác Duyên lập nên, hồi cuối thế kỷ 19, nổi tiếng về vẻ đẹp kiến trúc bề thế, vững chãi mà hài hòa với thiên nhiên. Chùa từng là trụ sở chính của phong trào Đông du (1907-1940), nơi chu cấp cho các học sinh du học và chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp.
Chùa được xây cất trên một khoảnh đất hàng chục mẫu, cổng chùa xây bằng gạch cổ, lợp ngói ta, vững chãi bề thế. Sân chùa được bao quanh bởi một khu vườn lớn trải dài ra tận bờ sông Bình Thủy; giữa vườn là hòn non bộ cao trên 2m được đặt trong một bồn nước trong xanh xây bằng gạch tầu đỏ sậm, trong vườn trồng nhiều cây tùng, cây trắc và các cây cổ thụ khác. Đan xen dưới những gốc cây này là những cây kiểng quý giá, tuổi ngót 100 năm được cắt uốn rất công phu.
Chính diện là một ngôi nhà lớn 5 gian, xây theo lối vòng cung, mỗi gian được 4 cột xi-măng chống đỡ với 3 vòm bán nguyệt. Các họa tiết hoa văn trang trí ở đây đều được tô đắp rất công phu tỉ mỉ làm tăng vẻ mỹ lệ của gian chính diện. Sau chính điện là một hành lang dài có hai căn phòng tiếp khách quý. Bên phải và bên trái chùa là 2 dãy nhà lợp ngói gọi là Đông Lan đường (còn gọi là Cần đạo đường) dùng cho nam giới và Tây Lan đường (còn gọi là Khôn đạo đường) dùng cho nữ giới ăn thông với nhà bếp. Sau chùa là cả một vườn cây ăn trái, xanh tốt quanh năm, mùa nào quả ấy, tiêu biểu cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
-
4
Vườn cò Bằng Lăng
Vườn cò Bằng Lăng của ông Nguyễn Ngọc Thuyền, ngụ tại ấp Thới An (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) hiện là một trong những địa chỉ hấp dẫn dành cho những ai ưa thích loại hình du lịch sinh thái.
Có được thành quả ấy, ông Thuyền đã phải đổ biết bao mồ hôi nước mắt. Trước kia, nơi vườn cò là những ruộng lúa thuộc gia đình ông, nó được bao quanh bởi các hàng xoài xen lẫn bóng mát dừa xanh. Vào năm 1983, vài trăm con cò không biết ở đâu về cư ngụ trên phần đất canh tác của ông. Vốn bản tính yêu thích thiên nhiên, người nông dân Nguyễn Ngọc Thuyền không xua đuổi hay săn bắt cò mà chăm nom, bảo vệ chúng. Ðến năm 1994, số lượng cò về ngày càng nhiều.
Ðiều kỳ lạ là cò chỉ thích quanh quẩn trong “ngôi nhà xanh” của ông Tuyền, chứ tuyệt nhiên không “xâm phạm” sang các khu vườn kế cận khác, mặc dù điều kiện sống cũng giống nhau.
Vào mỗi buổi chiều, nếu đứng trên chòi cao quan sát từng đàn cò trắng chập chờn đáp về nơi cư trú thì du khách sẽ có cảm giác như màu trắng của cò lấn át cả màu xanh của lá.