Ngán ngẩm khi sếp “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

Ngán ngẩm khi sếp ‘đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

Tốt nghiệp xong, tôi về quê làm kế toán cho một công ty tư nhân. Các anh chị nhân viên ở công ty thì thoải mái, vui vẻ và tạo điều kiện hết sức để tôi làm việc. Tôi luôn cảm thấy vui, chẳng hề hối hận vì được làm việc trong môi trường này. Hơn nữa là con nhà khá giả, tính tình lại rộng rãi, phóng khoáng nên khi làm việc ở công ty này, tôi cũng không đòi hỏi mức lương quá cao hay xét nét gì những việc làm thêm ở công ty. Nhưng đồng nghiệp và công việc thoải mái bao nhiêu thì sếp của tôi lại chặt chẽ, tính toán bấy nhiêu. Thú thực rằng, khi còn sinh viên tôi cũng đã đi làm thêm nhiều nơi nhưng tôi chưa từng gặp một vị sếp nào lại chặt chẽ quá mức như sếp hiện tại của mình. 

Tôi vào làm ở công ty được 3 tháng, nhưng để ý thấy sếp không bao giờ có “khái niệm”: đi đám cưới nhân viên, còn đám nhân viên chúng tôi cũng chẳng có khái niệm được tặng hoa trong ngày sinh nhật, mua quà thăm hỏi khi ốm đau, thai sản, tai nạn… Tóm lại, sự quan tâm của sếp chỉ dừng lại ở lời nói suông. Mới đầu, tôi còn nói bao biện: chắc vì sếp quá bận rộn. Các chị trong phòng cười ồ và nói tôi cứ ngồi đó mà mơ đến viễn cảnh sếp Văn “Chày” quan tâm đến đời sống anh chị em.

Tôi vẫn mơ và hi vọng ở sự quan tâm đến đời sống anh chị em của sếp. Nhưng đến tháng thứ 6 làm việc tại công ty thì tôi đã hiểu vì sao sếp có tên là Văn Chày và đôi khi cũng buột miệng gọi sếp là chày lúc nào không biết.

Ngán ngẩm khi sếp ‘đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

Chuyện là, bộ bàn ghế phòng tôi cái thì bị gãy chân, cái thì “vừa ngồi vừa đưa võng”, các anh chị trong phòng kiến nghị thì sếp bảo: “Cứ cố dùng cho hỏng hẳn rồi hãy mua”. Ban đầu tôi chỉ nghĩ bộ bàn ghế mua cũng khá đắt tiền, không thể nói là có ngay được nên chờ một thời gian nữa cũng chả sao. Đến hôm cái ghế ngồi của tôi bị gãy hoàn toàn 1 chân, tôi có đề nghị đổi ghế mới thì sếp nói: “Em xem có cái nào còn ngồi được  thì cứ lấy, hoặc không có thì em kê mấy viên gạch lên ngồi tạm. Qua năm quyết toán kinh phí, anh sẽ bảo kế toán sắm mới 1 loạt”. Nghe sếp vạch kế hoạch mà tôi choáng, từ giờ đến qua năm còn 3 tháng nữa, đồng nghĩa với 3 tháng tôi ngồi ghế 3 chân và 1 hàng gạch. Tôi kịch liệt phản đối,  sếp bực tức mà nói: “Cô đừng tưởng có tí chuyên môn mà đòi hỏi quá đáng nhé. Cô đừng có thấy của công mà dùng phung phí. Ghế cô ngồi, hỏng cô phải có trách nhiệm. Đừng đụng tí là đòi hỏi công ty cấp”. Tôi ra ngoài mà không nguôi hậm hực.

Có đợt, Sếp tuyên bố: “Công ty có thêm đơn đặt hàng cần làm gấp. Mọi người làm thêm giờ sẽ được tính vào lương”. Vậy là như được tiếp thêm sức lực, nhân viên làm không mệt mỏi nên khách đã được nhận hàng đúng thời gian quy định. Cuối tháng, ai cũng háo hức chờ ngày lĩnh lương. Hóa ra…lương vẫn thế! Công nhân và nhân viên thắc mắc, thì sếp phán câu xanh rờn: “Tôi mà thèm ăn quỵt của anh chị vài đồng lương chết đói ah. Cứ đợi thanh toán xong lô hàng đã”. Nhưng rồi 2- 3 tháng trôi qua mà tiền thưởng vẫn “bóng chim, tăm cá”. Có lẽ Sếp đã “quên” thật.

Sau lần tôi chạm trán sếp vì cái ghế gãy chân thì sếp khó khăn xét nét tôi hơn, tôi bị đánh vào tội “thoáng” quá và không biết bảo vệ của công. Mọi hóa đơn, chứng từ của tôi trình lên sếp đều bị anh săm soi, tính toán kỹ lưỡng. Ngay như chuyện tháng này tiền điện, nước, mua văn phòng phẩm, điện thoại… nhiều hơn tháng trước một chút là y như rằng nhân viên văn phòng bị sếp gọi lên thắc mắc ngay, còn Phòng kế toán của tôi bị sếp nhắc nhở “chú ý thắt chặt chi tiêu”. Chúng tôi cũng chỉ biết nhăn nhở nhận lệnh sếp.

Càng ngày tôi và mọi người trong công ty càng ngán ngẩm về thói “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” của sếp. Tinh thần làm việc của nhân viên ngày một sa sút, bởi: “có được khuyến khích, thêm thắt gì đâu mà phải cố gắng cho mệt thân”. Mọi người đã rỉ tai nhau câu ấy và đồng loạt “biểu tình” trước sếp. Nhưng sự tình cũng chẳng có gì xoay chuyển.

Các chị có gia đình rồi thì phải cam chịu, còn tôi, chưa có gia đình thoải mái bay nhảy, có lẽ tháng tới tôi xin nghỉ làm thôi. Bởi gặp ông Sếp như thế thì nhân viên chỉ có nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi tìm một việc làm mới, chí ít cũng không phải chịu cảnh sếp mà suốt ngày ‘vắt cổ chày ra nước”, tinh thần tôi sẽ thoải mái, làm việc hiệu quả hơn chăng?.

Hà Linh

( Theo congluan)

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.