Bất chấp có rất nhiều người qua lại, các “con nghiện” vẫn chích ma túy trước Trường tiểu học Trần Khánh Dư (đoạn qua đường Hoàng Sa, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM).
Quẳng ống tiêm xuống kênh
Lúc 13 giờ 30 ngày 2.3, hai thanh niên chạy xe máy trên đường Hoàng Sa, dừng lại ở khu vực này, ngồi trên ghế gỗ, đối diện Trường tiểu học Trần Khánh Dư, rồi tiêm chích ma túy cho nhau. 10 phút sau, cũng tại đây, một người khác mặc áo thun xanh, chạy xe đạp dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đến ngồi trên ghế gỗ cầm ống tiêm thản nhiên chích ma túy như chốn không người.
Lúc 14 giờ 30 ngày 23.2 cũng ở khu vực này, một thanh niên mặc áo màu xanh cùng một người đàn ông khoảng 50 tuổi ngồi trên ghế gỗ trước Trường tiểu học Trần Khánh Dư cùng chích ma túy. Trong quá trình chích, người thanh niên kẹp tờ báo vào nách, luồn cánh tay vào bên trong (để che khuất tầm nhìn của người qua đường), rồi chích thẳng vào giữa cánh tay. Người đàn ông lớn tuổi thì kéo quần để chích vào vùng bẹn. Chích xong, cả hai quăng luôn ống kim tiêm xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, giữa lúc dưới dòng kênh có chiếc thuyền đang chở khách du lịch đi thưởng ngoạn phong cảnh!
Tại chiếc ghế trên, sau đó khoảng 10 phút, một người đàn ông khác cũng đến chích ma túy.
“Tôi đưa con đi học ở đây hằng ngày nhìn thấy mấy ổng (con nghiện – PV) ngồi chích giữa thanh thiên bạch nhật. Chúng tôi lo rằng mấy đứa nhỏ nhìn thấy cảnh tượng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của bọn trẻ”, một phụ huynh đang đứng đợi con ở Trường tiểu học Trần Khánh Dư, nói.
Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc ghế gỗ ở khu vực trước Trường tiểu học Trần Khánh Dư vốn được trang bị cho người dân ngồi hóng mát, thư giãn nhưng đã trở thành “tụ điểm” tiêm chích của các con nghiện. Bên dưới và khu vực xung quanh ghế là chai lọ, kim tiêm nằm lăn lóc, ngổn ngang.
“Cứ thoải mái đi, đừng sợ”
Hôm qua 2.3, chúng tôi trở lại khu vực công viên 23.9 (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) – từng là “điểm nóng” về tình trạng tiêm chích ma túy. Lúc 14 giờ 23, khi đang ngồi trên vỉa hè đường Tôn Thất Tùng, chúng tôi ghi nhận một đôi nam nữ chạy xe máy thẳng lên vỉa hè rồi ngang nhiên chích ma túy dù xung quanh có rất đông người qua lại, đặc biệt là du khách nước ngoài. Khoảng 20 phút sau, một phụ nữ đi bộ đến ngồi trên đường Tôn Thất Tùng, chờ một người đàn ông khác cầm ống tiêm đến. Người đàn ông bắt đầu “pha chế” ma túy rồi chích vào cánh tay mình, xong dùng chính ống tiêm này chích tiếp vào cánh tay của người phụ nữ.
Trước đó, chiều 25.2, trong lúc chúng tôi đi bộ trên vỉa hè đường Tôn Thất Tùng, một thanh niên thản nhiên lắc, xóc ống kim tiêm trên bồn hoa. Thấy chúng tôi bước đến, người này nhích qua một bên tỏ ý mời ngồi cạnh. Tay cầm ống kim tiêm dính máu, anh ta hỏi: “Anh “lấy” (chích – PV) chưa?”. Chúng tôi bảo “lấy rồi”. “Anh chơi cái này lâu chưa?”, chúng tôi hỏi. Anh ta dừng tay và quay sang nói: “Mới chơi thôi”. Vì chưa chích trúng mạch máu nên người này liên tục chích kim tiêm vào tay làm máu tuôn ra, chảy dài trên cánh tay. Anh ta loay hoay một lúc rồi hướng về phía chúng tôi nài nỉ: “Anh tới “lấy” giùm em”. Chúng tôi nói: “Thôi. Ở đây đông người quá, lỡ công an hốt thì khổ”. Anh ta mặt nhăn nhó và gằn giọng: “Đã bảo là không sao rồi. Ở đây chỉ có mấy thằng tưới nước (nhân viên cây xanh – PV). Anh cứ tới “lấy” thoải mái đi, đừng sợ!”.
Tương tự, tại cầu bộ hành số 6 (đoạn giáp ranh giữa Q.6 và Q.8, TP.HCM), chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng tiêm chích ma túy diễn ra công khai. Chiều 25.2, hai thanh niên lên cầu bộ hành số 6 thản nhiên ngồi chích ma túy. Trên cầu này, nhiều kim tiêm, chai lọ thủy tinh nằm vương vãi trên mặt cầu, trên bồn hoa giấy.
Đáng nói, vào tháng 6.2015, PV từng phản ánh tình trạng tiêm chích ma túy ở khu vực cầu bộ hành số 6, đường Hoàng Sa (nói trên) nhưng đến nay tình trạng này vẫn tái diễn khiến nhiều người dân lo sợ lẫn bức xúc.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do UBND TP.HCM tổ chức ngày 1.3, trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết công tác lập hồ sơ người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, nên kết quả còn hạn chế; việc quản lý người nghiện tại cộng đồng còn nhiều sơ hở, yếu kém; công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện hiệu quả còn thấp, nguy cơ tái nghiện cao…
Nguồn: Theo Thanh niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.