Tủi thân nhiều nên quen rồi
Chuyện quà cáp cho giáo viên có lẽ “nóng” nhất ở các gia đình có con học mầm non, phổ thông trong những ngày này vì chỉ còn ít hôm nữa là đến ngày 20/11. Để tránh “đau đầu” trong việc mua quà vì sợ cô giáo không dùng đến, một số phụ huynh chọn cách “đi” phong bì. Cũng có phụ huynh cho rằng, “đi” phong bì để cảm ơn cô giáo, giúp cô tăng thu nhập. Trong khi các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn chính đang vui vẻ vì được học sinh, phụ huynh tôn vinh, tặng quà… thì nhiều giáo viên môn phụ ngậm ngùi tự an ủi với nỗi niềm “kép phụ”.
Nhắc đến ngày 20/11, dù đi dạy học được gần 10 năm, nhưng với cô T.Dương, giáo viên môn Mỹ thuật (Trường THCS T.L, Hà Nội) vẫn còn cảm giác man mác buồn khi nghĩ tới cảnh đồng nghiệp nhận được nhiều hoa, quà từ học sinh, trong khi mình hầu như ít nhận được những tình cảm đặc biệt ấy. Cô Dương chia sẻ, khi còn là sinh viên sư phạm, được đi thực tập thật vui và hạnh phúc, được các em học sinh yêu mến, đón nhận, lúc chia tay ai cũng khóc khi phải rời xa cô. Nhưng đến lúc ra trường, cô cảm thấy hụt hẫng khi mình chỉ là giáo viên môn phụ, ngày 20/11 đầu tiên khiến cô cảm thấy thực sự tủi thân.
“Giờ thì tôi đã không còn cảm thấy buồn như trước nữa, phần vì quen rồi, phần vì xác định gắn bó với nghề, với học sinh nên cũng không quan tâm đến chuyện đó. Nói thật, lương của giáo viên môn phụ khá thấp, ngoài ra không có khoản gì thêm, cũng ít cơ hội để làm thêm, dạy thêm vì học sinh chỉ học môn này cho xong, hơn nữa có đi dạy ngoài cũng ít người học. Tôi cũng không có nhiều thời gian vì cũng phải soạn giáo án, dạy trên lớp như các giáo viên môn chính”, cô Dương chia sẻ thêm.
Cô L.Phương, giáo viên dạy môn Tin học (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều lúc là giáo viên môn phụ cũng cảm thấy nản bởi lương thấp, cũng phải dạy đủ tiết theo quy định, ngoài ra còn “cõng” dạy thêm môn phụ khác như giáo dục công dân, sinh hoạt ngoài giờ… Hầu như xong lễ kỷ niệm Ngày 20/11 ở trường là về nhà, dù khá buồn nhưng cũng thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm”.
Những day dứt, khổ tâm
Theo chia sẻ của một số giáo viên dạy môn phụ như: Thể dục, mỹ thuật, tin học, hát nhạc…, không chỉ ngày 20/11 khiến họ chạnh lòng, mà quá trình công tác đã phải trải qua nhiều day dứt, nỗi khổ tâm từ lúc đi dạy học đến nỗi muốn bỏ nghề. Theo họ, bản thân hệ thống giáo dục đã có sự phân biệt môn chính, môn phụ. Học để đi thi cũng là lý do khiến nhiều phụ huynh cũng như xã hội nhìn nhận môn phụ cốt để cho đủ chương trình. Trên thực tế, nhiều giáo viên vì đam mê mà theo đuổi ngành học yêu thích, chứ không phải điểm kém mới sang ngành học của môn phụ.
Chia sẻ về thực tế đời sống giáo viên hiện nay và chuyện quà cáp ngày 20/11, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, hiện nay, dù được coi là có lương cao, nhưng nhiều giáo viên còn gặp khó khăn, chưa thể yên tâm với nghề, nhất là các giáo viên dạy các môn được cho là môn phụ. Tuy nhiên, chuyện quà cáp, phong bì nhân ngày Nhà giáo đã bị biến tấu, làm mất đi giá trị ý nghĩa tốt đẹp giữa thầy và trò. Thực tế người giáo viên không nghĩ ra ngày này để nhận quà, mà bản chất đây là ngày tôn vinh người giáo viên với công lao giáo dục các thế hệ.
“Một bộ phận giáo viên vì thiếu bản lĩnh mới đi nhận phong bì, quà đắt tiền từ phụ huynh hay người học. Thậm chí, có giáo viên còn gợi ý, ép buộc phụ huynh phải biếu xén… Giáo viên cần tỉnh táo từ chối nhận những món quà đắt tiền, phong bì. Tôi thấy, vẫn còn đó nhiều nhà giáo không bao giờ nhận quà, không cho phụ huynh đến nhà nhân ngày 20/11. Nghề giáo viên không giàu lên nhờ ngày 20/11. Người giáo viên cần nhận thức đúng vai trò, việc làm của mình để trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo” , thầy Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.
Nguồn: Theo GĐ&XH
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.