Những ngày nắng nóng mùa hè, nhiệt độ cao 35-39 độ C, nếu đi lại hoặc làm việc dưới trời nắng quá lâu có thể bị sốc nhiệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, mùa đông cũng rất có thể xảy ra hiện tượng này. Khi trời đang nắng ấm, đột nhiên chuyển rét đột ngột, cơ thể chưa thích nghi kịp sẽ mắc một số hiện tượng như đau đầu, chóng mặt, nhiễm lạnh… gây bệnh cảm cúm, đau nhức.
Mùa đông năm nay ấm hơn mọi năm dễ khiến cho mọi người thiếu cảnh giác. Ra đường mặc áo mỏng hơn hoặc đi ngoài đường không quàng khăn, đeo găng tay hay khẩu trang. Tuy nhiên, gió lạnh về không chuẩn bị trước rất dễ bị choáng váng.
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Hiến Chương cho hay: “Tình trạng này rất nguy hiểm với những người mắc bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp…Nhiệt độ hạ thấp khi cơ thể chưa thích nghi kịp làm mạch máu co lại, máu đến não thiếu dễ xảy ra tai biến”.
Ngoài ra, những người thức dậy sớm sau giấc ngủ dài phải cẩn thận với khả năng có thể bị đột quỵ nhất là người già. “Giống như mùa hè, khi đi từ phòng mát ra bên ngoài trời nắng phải từ từ để cơ thể quen mức nhiệt cao. Mùa đông cũng vậy, sau giấc ngủ dài, cơ thể đang được ủ ấm trong nhiệt độ cơ thể và chăn. Cho nên, không được bước ra ngoài ngay lập tức mà cần ngồi tại chỗ để cơ thể dần thích nghi, tập vài động tác đơn giản. Nếu phải ra ngoài đừng quên mặc ấm với khăn quàng, khẩu trang, găng tay, tất chân. Còn nếu bạn đi lại trong nhà vẫn cần mặc áo khoác mỏng, quàng khăn nhẹ nếu nhiệt độ không quá thấp”, bác sĩ lưu ý.
Vào những ngày nhiệt độ hạ thấp sau đợt nắng nóng phải giữ ấm vùng cổ họng. Bởi khu vực này nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết. Khi đi đường hoặc ở ngoài trời, khu vực cổ rất dễ tiếp xúc với gió lạnh. Nếu không giữ ấm cổ bằng áo cao cổ hoặc khăn quàng rất dễ bị nhiễm lạnh, gây viêm họng nhẹ đến nặng, gây cảm cúm về sau.
Tập thể dục, chạy bộ là thói quen của nhiều người lớn tuổi vào mỗi sáng sớm. Khi thời tiết thay đổi đột ngột, cần lùi thời gian luyện tập muộn hơn 30-1 tiếng. Không nên tập quá sớm hoặc khi chưa có nhiều ánh sáng. Trước khi đi ra ngoài để tập hay đi bộ phải khởi động kỹ, tránh bị chuột rút hay các vấn đề tai nạn, trúng gió. Vào mùa đông, thay vì tập vào sáng sớm có thể chọn khung giờ 3-5h chiều. Trước khi tập luyện phải ăn nhẹ để lót dạ.
Vệ sinh và dinh dưỡng
Ngoài ra, việc vệ sinh cơ thể vẫn phải duy trì tránh để vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển. Nhưng do nhiệt độ hạ thấp phải dùng nước ấm để rửa mặt, rửa tay chân hay tắm. Hoặc có thể đun nước lá thiên nhiên để gân cốt được thư giãn.
Để cơ thể thích nghi với nhiệt độ thấp, gió lạnh, chế độ dinh dưỡng rất cần được chú ý. “Khi đói, ăn thiếu chất sẽ làm cơ thể cảm giác lạnh hơn. Khi ăn no sẽ thấy dễ chịu và ấm áp hơn. Cho nên bữa ăn phải là đồ ăn nóng, không ăn đồ ăn để qua đêm hay để tủ lạnh quá lâu. Bổ sung thêm chất đạm, chất bột, đường để cơ thể thích nghi, giữ ấm tốt. Ngoài ra, tăng cường bổ sung rau, củ, quả tươi giúp nâng cao sức đề kháng, tránh bị ốm, nhiễm bệnh”, bác sĩ Chương cho hay.
Trong số các nguyên liệu nhà bếp, gừng và tỏi là hai nguyên liệu cần thiết và giúp cơ thể tránh lạnh rất tốt. Gừng vừa là gia vị cho vào nhiều món ăn vừa là vị thuốc tốt để chữa viêm họng, cảm cúm. Ngày lạnh chỉ cần cốc trà gừng ấm đủ để bạn thấy nóng hơn, giải cảm, tăng cường miễn dịch, giải độc. Khi được nghiền hoặc nhai sống, tỏi tạo ra hợp chất allicin, có đặc tính kháng sinh và giúp cơ thể trong việc chống lại cảm lạnh và cúm.
Lưu ý ngày mùa đông lạnh giá cần ăn đủ bữa, không ăn uống sơ sài. Tuyệt đối không bỏ bữa sáng, sau khi ăn cơm sáng có thể thêm sữa để đủ chất dinh dưỡng cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Hiền Anh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.