Nghi vấn này đến từ ngôi sao KIC 8462852 – ngôi sao được đánh giá là bí ẩn nhất vũ trụ hiện nay.
Người ngoài hành tinh sống cách chúng ta 1500 năm ánh sáng?
Trong một lần quan sát mới đây, các khoa học gia đã phát hiện ra những ánh sáng kỳ lạ tại ngôi sao KIC 8462852. Đây được cho là dấu hiệu của một thiết bị sống khổng lồ do người ngoài hành tinh chế tạo.
Nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng theo Jason Wright – một nhà thiên văn tại ĐH bang Penn (Mỹ): “Người ngoài hành tinh luôn là giả thuyết cuối cùng nên xét đến. Tuy nhiên lần này, có vẻ như đây là dấu hiệu của một nền văn minh ngoài vũ trụ”.
Sao KIC 8462852 nằm cách chúng ta 1500 năm ánh sáng.
Ngôi sao KIC 8462852 nằm cách Trái đất 1.500 năm ánh sáng, nằm giữa hai chòm sao Cygnus (Thiên nga) và Lyre (Thiên cầm). KIC 8462852 sáng hơn, nóng hơn và lớn hơn gấp nhiều lần Mặt trời của chúng ta.
Sao KIC 8462852 được tìm thấy lần đầu tiên nhờ Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA vào năm 2009. Với việc theo dõi ánh sáng tỏa ra từ KIC 8462852 và những ngôi sao khác, chúng ta sẽ phần nào tìm thấy dấu hiệu của những hành tinh nằm cách xa chúng ta.
Theo đó, nếu những ngôi sao xuất hiện khoảng tối theo chu kỳ, nhiều khả năng đó là dấu hiệu của một vệ tinh xoay xung quanh.
Nếu ngôi sao giảm độ sáng theo chu kỳ, nhiều khả năng đó là do một vệ tinh quay xung quanh nó.
Theo nhà thiên văn học Phil Plait, những khoảng tối này thường xuất hiện rất nhẹ, ít hơn 1%, với tần suất tùy theo kích cỡ của vệ tinh của hành tinh đó.
Tuy nhiên, những dao động ánh sáng mới phát hiện tại KIC 8462852 lại rất kỳ lạ. Các dao động tối hơn so với bình thường, lại không theo chu kỳ của vệ tinh, giống như có một vật nào đó đã chắn ở giữa. Và theo ghi nhận của các khoa học gia, ánh sáng từ ngôi sao này có thời điểm giảm tới 15 đến 22%.
Plait cho biết: “Thẳng thắn mà nói, đây chắc chắn không phải là một hành tinh. Ngay cả hành tinh to lớn cỡ Mộc tinh cũng chỉ có thể chắn được 1% ánh sáng từ một ngôi sao. Thứ chắn giữa chúng ta và KIC 8462852 phải thực sự lớn, ít nhất bằng một nửa chiều rộng của ngôi sao này”.
Có thể bụi vũ trụ là thứ đã tạo nên các khoảng tối bất thường của ngôi sao này.
Một trong những giả thuyết có phần hợp lý được đưa ra là quanh KIC 8462852 có một vòng rác vũ trụ khổng lồ – bao gồm các loại thiên thạch, bụi với nhiều hình dạng khác nhau – đã chắn đi ánh sáng truyền đến Trái đất.
Tuy nhiên, theo Ross Andersen – biên tập cấp cao của tờ the Atlantic, vấn đề ở đây là những vòng bụi đá thiên thạch như vậy chỉ có ở những ngôi sao mới hình thành, trong khi đó KIC 8462852 đã quá “già” để được coi là một “ngôi sao trẻ”.
Tabetha Boyajian, nhà nghiên cứu thuộc ĐH Yale chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy thứ gì kỳ lạ đến thế. Hết sức kỳ lạ”.
Một giả thuyết khác cũng được đưa ra, như việc một ngôi sao khác đã đi ngang qua KIC 8462852 và ánh sáng kỳ lạ chúng ta thấy là do lực hấp dẫn giữa 2 ngôi sao tác động lên nhau. Tuy nhiên theo Andersen: “Nếu giả thuyết này đúng, thì đây sẽ là một sự trùng hợp đến… vô lý, khi nó chỉ xảy ra trong khoảng một ngàn năm trước – một khoảng thời gian quá ngắn”.
Một số người thì cho rằng đây là bằng chứng của một nền văn minh ngoài Trái đất.
Bên cạnh đó, việc ánh sáng của ngôi sao giảm tới 22% là một hiện tượng rất kỳ lạ và chưa thể giải thích được. Trong đó, Jason Writh từ ĐH bang Penn đưa ra giả thuyết rằng, có thể đây là một thứ gì đó khổng lồ do người ngoài hành tinh tạo nên, như một quả cầu khổng lồ làm bằng pin mặt trời như trong truyện viễn tưởng.
Điều đặc biệt đó là giả thuyết này không hề bị phản đối bởi các khoa học gia. Giới khoa học cho rằng, đối với những sự việc chưa giải thích được thì bất kỳ điều gì cũng có thể là sự thật – dù cho đó là điều viễn tưởng nhất.
Theo Trí Thức Trẻ