Các chuyên gia đang nghiên cứu “biến” chất nhầy của cá Hagfish thành nguyên liệu thân thiện với môi trường.
>>>Cá mút đá có thể tạo ra tơ như tằm >>>Loài cá khát máu và “chuyện ấy” lạ đời
Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây đã tìm ra công nghệ mới nhằm chế tạo chất keo dính, mở ra hi vọng chế tạo những sợi vải, sợi protein có thể gắn trực tiếp vào mô sống từ loài cá Hagfish.
Hagfish sống dưới đáy biển sâu, đã tồn tại hơn 300 triệu năm và không mấy thay đổi so với tổ tiên của chúng. Hagfish có một hộp sọ, hai não, chúng bị mù và thường ăn vào ban đêm, thức ăn chủ yếu là xác các loài động vật lớn (cá, thú biển).
Điểm đặc biệt nhất ở loài cá Hagfish này là toàn thân chúng được bao bọc trong chất nhờn do chúng tự tiết ra mỗi khi gặp nguy hiểm.
Chất nhờn này có thể khiến cho kẻ thù của cá Hagfish bị ngạt thở và chết. Ngay cả cá mập cũng phải e dè mỗi khi chạm trán với loài cá đặc biệt này.
Ở mỗi bên cơ thể Hagfish có khoảng 100 tuyến nhầy, lỗ nhầy. Khi kẻ săn mồi vừa mở miệng đớp lấy cá Hagfish, chất nhờn trên da cá ngay lập tức tràn vào miệng kẻ thù.
Khi gặp nước, chất nhờn “biến” thành một đám mây keo lớn, giảm lưu lượng nước qua mang, khiến kẻ săn mồi không thể thở được.
Nhận thấy tính năng tuyệt vời này từ chất keo nhờn từ cá Hagfish, các chuyên gia đã nghiên cứu sâu hơn và phát hiện chất nhầy này giàu chất xơ – được gọi là sợi trung gian (IF).
Trong mỗi lít chất nhầy có hàng chục ngàn sợi và những sợi này có tính chất cơ học giống như tơ, rộng 12 nano mét và dài 15cm.
Các sợi tơ này rất bền, khi kết hợp với nước biển, keo protein sẽ cuộn chặt lại với nhau, tạo ra một độ đàn hồi lớn. Với kích thước nhỏ hơn sợi tóc người 100 lần nhưng chúng lại có độ dai nhiều hơn nylon gấp 10 lần.
Từ đây, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tổng hợp để tạo ra siêu vật liệu mới thân thiện với môi trường, có thể được sử dụng trong việc sản xuất sợi trong đóng gói thực phẩm, chế tạo ra túi khí…