Nghiện mua sắm: Đừng chỉ nghĩ đó là thói quen thông thường

Nghiện mua sắm: Đừng chỉ nghĩ đó là thói quen thông thường

Mua sắm là thói quen thường xuyên của nhiều chị em, thậm chí với nhiều người đó còn là thú vui gây thâm hụt tiền đáng kể. Không ít người mua sắm khi đang buồn, chán để xả stress, có người đổ lỗi cho việc chiếc áo hay quần có màu sắc rất vừa mắt nên mua, trong khi nhu cầu thực tế không hề có.

Câu chuyện như cái vòng luẩn quẩn giữa chi tiền và mua sắm, nghe đơn giản nhưng nó cũng là điều đáng để lưu tâm người mắc chứng “nghiện mua sắm” quá mức. Chính những người vung tay quá mức này khiến quần áo, giày dép được mua về để tại nhà nhưng không biết bao nhiêu là đủ.

Có lẽ không mấy ai xa lạ với từ shopaholic – đó là từ để diễn đạt thói quen mua sắm không thể dừng lại, mua sắm điên cuồng và dẫn đến mất kiểm soát. Cách mua sắm đến mức không thể tự điều chỉnh được bản thân còn gọi là oniomania. Thực tế, người có oniomania thì mới có cách mua sắm khác người như nói trên. Còn nhiều người cũng thích mua sắm, mua nhiều nhưng vẫn có thể điều chỉnh được bản thân thì không phải là nghiện mua sắm.

Nghiện mua sắm: Đừng chỉ nghĩ đó là thói quen thông thường

Nhiều người có thói quen mua sắm quá mức.

Từng có trường hợp của chị N (Hà Nội), thu nhập 2 vợ chồng vào hàng khá giả, việc chi tiền không phải lo lắng quá nhiều. Thế nhưng, chị N lại có thói quen nghiện mua sắm đến mức không kiểm soát được. Chị mua những thứ đã có và mua lại những thứ chỉ mới vừa mua cách đó ít ngày.

Chị N dành thời gian và vung tay chi hàng triệu đồng để đi mua sắm khắp các siêu thị, shop quần áo…có những ngày cuối tuần chỉ lái xe ô tô đi mua váy, quần áo, giày dép để “giết” thời gian”. Chồng chị N cũng khá thoáng trong chi tiêu nên không mảy may suy nghĩ. Tuy nhiên, sau khi quan sát thấy cách chi tiêu khác người của vợ, người chồng cũng bắt đầu ngao ngán. 

Khuyên răn vợ nhiều lần, phân tích cái đúng cái sai, mua sắm đúng chỗ và đúng lúc không được, vợ vẫn chứng nào tật nấy. Có những thời điểm, đầu tuần anh vừa thấy mua 2 cái túi nhưng đến cuối tuần lại thấy vợ mua thêm 3-4 chiếc túi từ hàng hiệu đến hàng vỉa hè. 

Chị N cho hay: “Chồng tôi ban đầu thông cảm nhưng rồi không chịu nổi nữa. Nhân lúc tôi đi làm, chồng đưa sang nhà người họ hàng để nhờ bán bớt hoặc cho lại mấy người trong nhà. Mấy hôm sau, không thấy đồ đạc, tôi lại mua thêm. Chồng lúc đó đưa tôi đi khám để xem có phải là bệnh nghiện mua sắm như trên báo vẫn nói không. Sau đó, bác sĩ yêu cầu tôi điều trị, giờ đây bớt được triệu chứng cuồng”.

Đáng lo ngại hơn là có những trường hợp chị em nghiện mua sắm đến mức cuồng chân, kèm theo đó là dấu hiệu như mất ngủ, kém ăn, bồn chồn và lo lắng. Chị T (Hà Nội) năm nay đã gần 60 tuổi nhưng 5-6 năm trở lại đây bắt đầu có dấu hiệu vung tiền mua sắm quá nhiều. Không chỉ mua các bộ quần áo hàng hiệu, túi xách đắt tiền mà chị còn mua cả gia vị, nguyên liệu làm bếp thừa thải thậm chí không cần dùng đến. Với chị, niềm vui là mỗi lần được mọi người khen và vỗ tay khi mặc lên những bộ trang phục đẹp, mà không cần biết chúng đắt hay rẻ.

“Một thời gian sau đó, gia đình cũng cấm tôi đi mua sắm nhưng cứ không ra khỏi nhà là chân lại bồn chồn, lo lắng, đêm mất ngủ. Có một hôm được chị hàng xóm nói về nghiện mua sắm, tôi mới đi khám bác sĩ và phải điều trị”, chị T nói.

Phát hiện triệu chứng đi kèm

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Diệu Linh (Chuyên khoa tâm thần) cho hay, hiện nay, kinh tế phát triển, hàng hóa phong phú hơn nên nhiều người có thói quen lạ thường này. Bản thân họ không ý thức được việc của mình làm nhưng cũng có người mua sắm nhiều quá thấy tốn tiền nhưng không dừng được lại. Bởi nó như thói quen và nếu không làm thì rất khó chịu.

Điều đáng lo ngại là nghiện mua sắm còn đi kèm với bồn chồn, lo lắng, mất ngủ. Với những trường hợp này cần phải đưa vào bệnh viện hoặc chuyên khoa để được thăm khám và xác định hướng điều trị. Còn nếu không có những triệu chứng này có thể tự cách ly tại nhà, bằng cách giám sát hoặc không để tự do mua sắm quá mức.

Theo bác sĩ Linh, giải pháp hàng đầu là phải làm sao để người mắc chứng nghiện mua sắm không tiếp xúc nhiều với hàng hóa cũng như các sản phẩm mà họ hay mua. Tuy nhiên, mua sắm quá mức như vậy sẽ gây nên những hệ lụy như kinh tế gia đình bị hao hụt, tiền bạc “đội nón ra đi”, sau đó là mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu hay những mâu thuẫn khác trong gia đình do thiếu tiền.

“Nếu có các triệu chứng đi kèm cần phải điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Còn không có các triệu chứng đi kèm như la hét, mất ngủ, ăn kém, bồn chồn thì có thể dùng cách nhẹ nhàng để tâm sự hay biện pháp tâm lý”, bác sĩ nói.

Thanh Thủy

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.