Từ trước đến nay, nhắc đến hang động mọi người thường nghĩ ngay đến khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng của huyện Bố Trạch mà ít ai biết rằng khu vực thung lũng Tú Làn ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cũng có một vòng cung hang động kỳ vĩ đến ngỡ ngàng
Con suối Rào Nậy về mùa này hiền lành đến lạ, nước chỉ xấp xỉ ướt tới gối, trong veo và mát lạnh. Thử thách đầu tiên của chuyến hành trình chính là việc phải leo qua ngọn đồi, nơi dòng suối lặn xuống để đến với hang Hung Ton (hung còn gọi là thung lũng theo tiếng địa phương), cửa hang Hung Ton nằm cách mặt đất chừng 50m, trông xa như một dấu chấm khổng lồ được thiên nhiên vẽ vào bức tường núi đá.
Đi sâu vào hơn 100m nữa có một lối rẽ thông với nhánh hang phía dưới, men theo chiếc cầu thang gỗ leo xuống là cả một không gian rộng lớn, ánh sáng từ những chiếc đèn pin trên mũ như vô vọng trước bóng đêm đen đặc, những rặng thạch nhũ đồ sộ, những viên bi đều tăm tắp được tạo thành bởi sự miệt mài của nước, tất cả như mê hoặc các thành viên trong đoàn.
Ở hang Hung Ton còn có một đoạn sông ngầm dài chưa tới 50m, cả đoàn cho hành lý lên một chiếc thuyền hơi rồi từ từ bơi theo, phía cuối cửa hang là một thung lũng nhỏ bao quanh bởi các dãy núi. Từ đây lại một chặng đường leo trèo vượt qua các dãy núi, để đến hang Ken. Hang Ken có một nhánh khô và một nhánh hang nước phân định rõ ràng, nhưng đều gặp nhau ở một cửa ra chính. Tại đây nhiếp ảnh gia Casten Peter đã cho ra đời một tuyệt phẩm đứng đầu trong bộ ảnh chụp hang động Quảng Bình và chính bộ ảnh đó đã tôn ông thành nhiếp ảnh gia của năm do tạp chí National geographic bình chọn.
Từ hang Ken đến hang Kim không xa lắm, cửa vào hang Kim khá hẹp, có nhiều đoạn phải lách người mới đi được. Những bãi đá lô nhô như thử thách bước chân và ý chí các thành viên trong đoàn. Giống như hầu hết các hang động ở vùng Tân Hóa của huyện Minh Hóa này, hang Kim cũng được hình thành như là cửa thoát lũ cho hệ thống sông ngầm nơi đây. Các khối thạch nhũ bị đổ gãy nằm ngổn ngang.
Tâm điểm của vòng cung hang động ở Tân Hóa có lẽ chính là hang Tú Làn, hang dài hơn 600m, được đánh giá cao bởi những khối thạch nhũ hoành tráng, kỳ vĩ và một thác nước trong hang khoảng 10m rất đẹp. Ông Howard Limbert-Trưởng đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh từng cho biết: “ Việc có thác nước trong hang động là điều độc đáo mà chúng tôi lần đầu nhìn thấy ở đây”.
Đặc biệt tại hang Tú Làn, đoàn thám hiểm hang động còn cho biết thêm họ phát hiện ở thác nước trong hang động có một loài cá bơi ngược thác rất kỳ lạ. Cá được mô tả có màu trắng to cỡ ngón tay áp út và phóng ngược rất nhanh trong dòng thác của hang Tú Làn. Các nhà thám hiểm chuyên sâu về hang động nên không hiểu lắm về ngư loài học, nhưng họ cho rằng đây là điều rất lạ.
Với khoảng cách gần 2km là một hang động, vòng cung này rất lý tưởng cho những người ưa mạo hiểm, muốn khám phá và trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Được biết Công ty Oxalis của anh Nguyễn Châu Á đang xây dựng đề án để đầu tư và đưa vào khai thác hệ thống vòng cung hang động kỳ vĩ này theo hướng bền vững, theo đó công ty sẽ đầu tư các thiết bị an toàn, làm cầu treo đi bộ qua Rào Nậy, xây một khách sạn 30 phòng theo lối kiến trúc hoà hợp với thiên nhiên. Tại đây sẽ có một trung tâm huấn luyện leo núi, sẽ khai thác các loại hình thám hiểm và du lịch hội nghị trong hang động.
Tương lai không xa vòng cung hang động ở Tân Hóa sẽ góp thêm vào sự đa dạng trong các chuyến tham quan hang động của du khách mỗi dịp đến với Quảng Bình.