Ngỡ ngàng với 9 phản xạ bản năng của trẻ sơ sinh

Sót nhau thai – triệu chứng và hướng xử lý

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, cụm từ “da tiếp da sau sinh” được nhắc đến khá nhiều. Phương pháp da tiếp da sau sinh là đặt bé sơ sinh ở trần nằm lên ngực trần của người mẹ. Ở các nước phát triển, phương pháp này khá phổ biến, được cho là điều kiện cần để kích thích 5 giác quan và phản xạ sinh tồn của bé. Đối với người mẹ, phương pháp này cũng mang lại những lợi ích về sức khỏe như giúp cơ thể sản xuất hormone oxytocin, từ đó tăng tiết sữa và co dạ con sau sinh, rút ngắn thời gian hồi phục sau sinh, giảm nguy cơ băng huyết và nhiễm trùng tử cung.

Bé cưng khi còn là thai nhi được ôm ấp nuôi dưỡng trong tử cung ấm áp của mẹ. Khi chào đời, bé từ thế giới bào thai bước vào thế giới rộng lớn với biết bao thay đổi. Việc cho bé được da tiếp da với mẹ – duy trì “môi trường cơ thể mẹ” ngay sau khi sinh là điều kiện cần để kích hoạt những hành vi bẩm sinh, là cơ sở cho sự sinh tồn và tạo nền tảng tốt cho bé phát triển ở các giai đoạn sau này.

Một giờ đầu sau sinh được coi là “giờ vàng” quý giá. Trong một giờ ngắn ngủi này, bé thể hiện đầy đủ những hành vi bản năng, lần lượt theo thứ tự:

1. Bé cất tiếng khóc chào đời

Tiếng khóc đầu đời cũng là tiếng khóc có ý nghĩa quan trọng nhất, là dấu hiệu của sự sống, đánh dấu thời khắc bé tự hít thở bằng lá phổi của chính mình. Mẹ chắc vẫn nhớ như in khoảnh khắc vừa ngọt ngào, vừa thiêng liêng này đúng không!

2. Thư giãn – 1 phút sau sinh

Sau khi khóc, bé bước vào giai đoạn thư giãn. Nếu bé được nằm trên ngực mẹ, bé sẽ được phủ một tấm khăn ấm khô, đầu bé để trần. Khi bé thư giãn, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và thở được điều hòa bởi cơ thể của người mẹ một cách hoàn toàn tự nhiên không khiên cưỡng.

Ngỡ ngàng với 9 phản xạ bản năng của trẻ sơ sinh

3. Thức giấc – khoảng 3 phút sau sinh

Sau khi được nghỉ ngơi, lấy lại sức, bé bắt đầu thức giấc và “tận hưởng” thế giới mới. Chỉ vài phút sau sinh và tự hô hấp bằng lá phổi của mình, bé sẽ có những cử động ở đầu, vai và miệng.

4. Hoạt động – khoảng 8 phút sau sinh

8 phút sau khi lọt lòng, miệng bé bắt đầu có dấu hiệu tìm vú mẹ, bé há miệng hoặc mút mút.

5. Nghỉ ngơi

Bé nghỉ ngơi bất cứ lúc nào trong hành trình mới mẻ này. Thông thường sau những hoạt động đầu tiên, dường như bé đang tĩnh tâm lại để chờ đón những trải nghiệm mới phía trước.

6. Di chuyển – 35 phút sau sinh

Sau những hoạt động “thăm dò”, “nghe ngóng”, bé bắt đầu di chuyển, dướn người về phía bầu vú mẹ. Phản xạ bản năng này tiếp tục duy trì trong 1 tuần đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ trườn lên và dùng chân đẩy vào bụng mẹ, giống như từng làm trong tử cung của mẹ.

7. Làm quen – 45 phút sau sinh

Giai đoạn này, bé sẽ tìm bầu sữa mẹ. Bé dùng đủ mọi cách, từ liếm, sờ, thậm chí huơ huơ nắm tay của mình vào ngực mẹ. Hành động dễ thương này của bé không những giúp mẹ tiết ra lượng hormone oxytocin quý giá mà sẽ là kỷ niệm thiêng liêng theo mẹ suốt đời.

Hormone oxytocin – được mệnh danh là hormone tình yêu – tạo sợi dây liên kết tình cảm mẹ con và thúc đẩy dạ con co lại nhanh hơn, giảm nguy cơ mất máu nhiều. Đồng thời, nó cũng làm tăng tiết sữa non trong những ngày đầu sau sinh.

Mùi vị của sữa non giống với mùi của nước ối nên rất quen thuộc với bé. Mắt của bé sẽ nhìn chằm chằm vào núm vú mẹ, sau đó bé đưa tay ra chạm vào núm vú và đưa vào miệng mình nếm nếm. Mặc dù thời điểm này bé vẫn chưa biết cách kết hợp dùng tay và mắt, nhưng nhờ mùi sữa non, bé đã nhận ra đâu là “bình sữa” của riêng mình.

Ở giai đoạn làm quen với bầu vú mẹ, bé có thể cần tới 20 phút hoặc nhiều hơn trước khi bước sang các hoạt động tiếp theo.

8. Đòi bú – khoảng 1 giờ sau sinh

Bé dùng toàn bộ phần thân trên, trườn lên về phía núm vú. Miệng bé có thể đưa qua đưa lại cho đến khi ngậm đúng núm vú đang thơm mùi sữa kia. Khi bé ngậm được núm vú, bé sẽ yên lặng, tập trung cao độ và mút lấy mút để những giọt sữa non mát lành.

9. Ngủ – khoảng 1,5 đến 2 tiếng sau sinh

Sau hàng loạt những hoạt động làm quen, thăm dò và bú sữa mẹ, bé bắt đầu chìm vào giấc ngủ ngon lành. Vậy là bé đã hoàn thành chuỗi 9 phản xạ bản năng cực kỳ quan trọng trong 1 giờ đầu sau sinh. Còn cơ thể mẹ cũng tăng sản xuất hormone oxytocin. Nhiệm vụ của mẹ lúc này là tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi và lấy lại sức sau sinh.

Da tiếp da sau sinh thực sự là một phép màu kỳ diệu. Sẽ là một thiệt thòi lớn nếu bé sơ sinh không được áp dụng phương pháp này. Thực tế ở Việt Nam hiếm có bệnh viện cho phép mẹ và bé da tiếp da ngay sau sinh. Đặc biệt các trường hợp đẻ mổ, mẹ và bé đều bị cách ly nhau 6 tiếng. Nếu không thể cho bé da tiếp da ngay trong giờ đầu lọt lòng, mẹ có thể thực hiện da tiếp da sau đó. Tốt nhất là trong tháng đầu tiên, và số lần da tiếp da càng nhiều, càng lâu càng tốt. Trường hợp mẹ yếu hoặc mẹ mất, những người thân trong gia đình cũng có thể da tiếp da với bé.

Lam Khê

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.