Trong một phát hiện khiến nhiều người ngạc nhiên, ngôi sao già nhất lại có tuổi đời còn lâu hơn cả vũ trụ.
Sao HD 140283, hay còn gọi là sao Methuselah, không hề xa lạ với các nhà thiên văn học Trái đất.
Họ đã biết về sự tồn tại của nó hơn 100 năm qua, sau khi nó xẹt ngang bầu trời với tốc độ nhanh như chớp, khoảng 1,3 triệu km/giờ.
Cứ mỗi 1.500 năm, nó lại xuất hiện chớp nhoáng như vậy, tạo nên huyền thoại sao Methuselah, theo báo cáo trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới, ngôi sao HD 140283, từng được phát hiện nằm cách Trái đất 190,1 năm ánh sáng, hóa ra lại vào khoảng 14,5 tỉ tuổi.
Sao Methuselah đã khiến giới thiên văn học bất ngờ về tuổi thật của mình – (Ảnh: Caltech)
Bất thường ở đây là bản thân vũ trụ cũng chỉ mới 13,8 tỉ tuổi, và điều này đã khiến nhiều nhà khoa học choáng váng.
Sự chênh lệch kỳ dị trên phần lớn là do áp dụng sai số vào tính toán ban đầu.
Sử dụng kính viễn vọng Hubble, các nhà thiên văn học có thể xác định ngôi sao đó khoảng 14,5 tỉ năm, cộng trừ 800 triệu năm.
Sai số này cho thấy thiên thể trên có thể hình thành trong thời gian ngắn ngủi sau sự kiện Big Bang.
Kết quả ước tính trước đó càng chênh lệch hơn nữa khi “phán” tuổi của HD 140283 vào khoảng 16 tỉ năm, hơn 2 tỉ năm so với tuổi của vũ trụ.
Về vấn đề trên, chuyên gia Howard Bond của Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) nhận xét rằng có thể ngành vũ trụ học đã nhầm lẫn, hoặc vật lý học thiên thể có sai sót, hoặc khoảng cách của ngôi sao không được tính toán chính xác.
Theo Thanh Niên