Quả núi thấp với vỏn vẻn 4 hòn đá. Trên từng tảng đá, có nhiều cây to vươn cao. Người dân Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) gọi núi bằng cái tên Bạch Tuyết hoặc Cô Tiên.
Để bảo vệ số tài sản đó, họ đã dựng lên nhiều hòn đá kết thành hầm sâu, sau đó bắt một cô gái xinh đẹp rồi chôn sống.
Nhiều người bảo, dưới núi có “hầm thần của” linh thiêng, nhưng được yểm bùa, không ai lấy ra được. Từ những lời đồn đó, có không ít người đi thử vận may tìm kho báu nhưng đều bị “dính chưởng”.
Chuyện ly kỳ quanh “núi thần của”
Nhiều người đồn rằng, Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội) là đất thánh, có nhiều lộc trời. Dưới các ngôi đền, ngọn núi, dòng sông ở mảnh đất này chứa không ít ngọc ngà, châu báu. Sự linh thiêng ở Vân Côn chẳng nơi nào sánh bằng.
Chúng tôi về Vân Côn để tìm hiểu thực hư những câu chuyện có vẻ “thần bí” đang được lưu truyền trong thiên hạ. Một người dân, cho hay: “Về Vân Côn mà không thăm “núi thần của” thì phí. Đây là nơi thiêng liêng nhất xã. Đồn rằng, dưới núi có cô công chúa bị chôn sống làm thần giữ của. Bình thường, cứ đến ngày rằm, ngày lễ… người dân đến đây xin lộc rất đông!”.
Người ta bảo cây si này chính là “chồng” của Bạch Tuyết.
Tò mò trước lời giới thiệu, tôi quyết định đến núi với mong muốn được tận mục thực hư.
Ông Nguyễn Đình Vượng, một người dân sống cạnh núi giãi bày: “Cứ vào ngày lễ, dân làng kéo đến núi nườm nượp. Ngày thường, dân đi làm ăn, ít người qua lại đây!”. Nói xong, ông Vượng dẫn chúng tôi ra thăm núi. Ngọn núi sừng sững với bốn hòn đá to. Các hòn đá có phần bạc màu theo thời gian. Có điều lạ, trên núi mọc nhiều cây to, tươi tốt. Ông Vượng cho hay: “Chú thấy có lạ không, cây mọc trên đá thật hiếm. Ấy vậy mà, cây nào cây nấy vươn mình lên cao, quanh năm tươi tốt”.
Theo ông Vượng, người Vân Côn gọi núi bằng cái tên Bạch Tuyết hoặc Cô Tiên. Ông Vượng lý giải: “Theo cha ông kể lại, ngày xưa khi người Trung Quốc qua Việt Nam họ mang theo nhiều vàng bạc, châu báu. Để bảo vệ số tài sản, họ đã dựng lên nhiều hòn đá kết thành hầm sâu, sau đó bắt một cô gái xinh đẹp rồi chôn sống làm “thần giữ của”. Nghe đâu, cô gái bị bắt có tên Bạch Tuyết. Ngọn núi chúng tôi gọi từ cái tên đó mà ra”.
Xung quanh núi còn có một câu chuyện lạ, khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Nhiều cao niên ở làng Vân Côn kể: Ngày xưa, có một chàng trai nghèo xơ xác, cuộc sống khó khăn, cứ ngày ngày lên núi xin… của. Thấy chàng trai đến nhiều lần, “thần của” động lòng thương hứa sẽ cho một con gà vàng.
Chàng trai làm một mâm xôi, một con gà, cúng thần, y rằng, một đàn gà xuất hiện. Ngay lập tức, chàng trai được “thần của” cho một con gà què. Thấy con gà xấu, chàng trai chê không nhận. Ngay lập tức, đàn gà và “thần giữ của” bỗng nhiên biến mất. Tiếc của, chàng trai mang chiếu đến “núi thần” ăn vạ. Khi tỉnh dậy, chàng trai thấy mình bị chuyển đến chỗ khác. Sau nhiều lần ăn vạ không thành, nản quá, chàng trai từ bỏ ý định xin vàng ở “núi thần của”.
“Đây là ngọn núi thiêng. Người dân ai cũng xem như vật báu mà thờ phụng. Ở đây lâu rồi, tôi chưa được nghe “núi thần” cho của bao giờ. Tôi chỉ nghe rằng, nhiều người đến núi đào vàng đã bị điên, gia đình trở nên lục đục, không thuận hòa.
Có một điều nữa, nhiều hôm cứ đến 4h chiều, ở ngọn núi bốc ra mùi như nước mắm nồng nặc, khó chịu. Bởi thế, ai cũng sợ, chẳng dám xâm phạm”, ông Nguyễn Văn Phê, cao niên làng Vân Côn cho biết.
Hiện ở chân núi Bạch Tuyết có một cây si. Theo người dân nơi đây, cây si này là hiện thân của một thanh niên bị chết và cũng chính là… chồng cô Bạch Tuyết.
Người dân đang kể chuyện về núi Bạch Tuyết.
Giải mã bí ẩn “núi thần của”
Trước thông tin núi Bạch Tuyết có nhiều vàng bạc, châu báu, có không ít đạo tặc tìm đến khám phá. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tài Hận, một đại gia máu mặt thời ấy, đã thuê cả một đội quân đến khai quật núi nhằm giải mã bí ẩn ở núi Bạch Tuyết.
Ông Hận kể, ngày đó, đội quân của ông có 10 người. Sau 4 ngày liên tục đào bới, mọi bí ẩn ở “núi thần của” gần như hé mở. Hai ngày đầu, đoàn đã khám phá ra hai hàng đá được con người xếp song song thành hai lối, khoảng 40 đến 50 khối đá. Tiếp đó đoàn phát hiện hình một con rùa và nhiều mô đất bí ẩn xung quanh.
“Để khám phá tận tường ngõ ngách, đoàn chúng tôi phải phá nhiều tảng đá chắn ngang. Khi đá được phá ra, một khoảng không xuất hiện. Bên cạnh có nhiều hình hài rất lạ, nhưng trời tối om không nhìn thấy gì.
Lúc đó có bao nhiêu đèn pin rọi xuống cả, nhưng vẫn không thấy đáy. Ngay lúc đó, có nhiều tiếng động lạ phát ra, mọi người sợ núi sập, nên tôi đành cho mọi người dừng lại. Mấy ngày sau, cán bộ UBND xã Vân Côn tiếp tục đào bới thêm hai ngày nữa nhưng không phát hiện ra vàng bạc, hay châu báu gì” – Ông Hận nhớ lại.
Nhiều người dân ở xã Vân Côn cho biết thêm, ngay sau khi đội quân của ông Hận khám phá “núi thần” đã có nhiều người bị ốm đau, bệnh tật. Cuộc sống gia đình nhiều người trở nên lục đục, mâu thuẫn xẩy ra thường xuyên.
Anh Đồng, một thanh niên tham gia đào bới khi xưa nhớ lại: “Ngày ấy, nghe dưới núi có kho báu, ai cũng muốn khám phá. Nhưng lật hết hòn đá này đến hòn đá khác vẫn chẳng thấy gì quý giá. Có lẽ, kho báu dưới núi là lời đồn thổi. Nhiều người bảo bị ma ám chưa hẳn đã đúng”.
Ông Nguyễn Sỹ Tiến, cán bộ văn hóa xã Vân Côn cho biết: “Lời đồn nhiều người bị “ma bắt” hay dưới núi Bạch Tuyết có “hầm thần của” tôi cho rằng không có căn cứ. Nhiều người bảo nằm ngủ thấy một cô gái áo trắng xuất hiện cũng chỉ là giấc mơ”.
Ông Tiến cho biết thêm, hiện cứ ngày rằm, ngày lễ… người dân thắp hương, cúng bái tại núi Bạch Tuyết rất đông. Người dân ở đây thấy núi linh thiêng đã cùng nhau đóng góp xây dựng một số công trình. Tuy nhiên, đây là điểm không nằm trong khu bảo tồn văn hóa nên chưa có sự quan tâm nào từ các cấp chính quyền.