Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Cùng nhìn lại sự phát triển qua các thời kỳ của nghệ thuật chụp ảnh khỏa thân trong lịch sử.

Vẻ đẹp của cơ thể con người từ rất lâu luôn là một đề tài “hot” trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Hầu như tất cả các nhiếp ảnh gia trong đời đều mong muốn ít nhất được một lần ngắm nhìn và thể hiện vẻ đẹp ấy lên những tấm hình của mình. Đó là lý do mà nhiếp ảnh khỏa thân ra đời vào khoảng năm 1837 – 1840.

Paul Martineau làm việc tại Bảo tàng J.Paul Getty là một chuyên gia trong lĩnh vực trên. Sau nhiều năm nghiên cứu và tìm tòi, ông đã xuất bản cuốn sách “The Nude in Photography” nhằm tái hiện lại lịch sử phát triển của nhiếp ảnh khỏa thân qua những tác phẩm được trưng bày tại nơi ông làm việc.

Cuốn sách bao gồm 78 công trình nghệ thuật của những nhiếp ảnh gia khỏa thân bậc thầy trong quá khứ.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Bức ảnh chụp một người phụ nữ khỏa thân của nhiếp ảnh gia người Pháp Félix – Jacques Antoine Moulin năm 1856. Ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nhiếp ảnh khỏa thân khi mở một studio chụp ảnh cũng như bán các bức ảnh khỏa thân.

Vào thời kì đó, Félix thậm chí đã bị bắt vào tù vì chính quyền cho rằng những tác phẩm nghệ thuật của ông là đồi trụy, phản cảm và hàm chứa nội dung khiêu dâm.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

“Chân dung một người Mỹ trẻ” là tiêu đề của bức ảnh này. Bức ảnh do Jeremiah Gurney chụp tại Los Angeles trong giai đoạn 1852 – 1856. Bức ảnh bán nude này là minh chứng điển hình cho thời kỳ đầu của nhiếp ảnh khỏa thân khi định kiến về sự dung tục vẫn còn tồn tại.

Dẫu đơn giản song theo đánh giá của những chuyên gia hàng đầu, bức ảnh này nói lên rất nhiều điều: đó là sức mạnh của tuổi trẻ Mỹ những năm giữa thế kỷ XIX, là sự non nớt và dễ tổn thương của tuổi trẻ thông qua sự tạo dáng vụng về của người mẫu…

Đặc biệt, nếu chú ý kỹ, những vết lằn ở cổ và vai của chàng trai trong ảnh còn cho chúng ta biết anh ta thuộc tầng lớp lao động và thường xuyên phải làm việc ngoài trời.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Bức ảnh này do nhiếp ảnh gia thiên tài thế kỷ XIX – Thomas Eakins thực hiện năm 1884 khi ông còn làm việc tại Học viện Pennsylvania.

Thời kỳ này Thomas Eakins dành nhiều sự quan tâm tới vẻ đẹp cơ thể con người và chụp ảnh khắc họa những chuyển động con người đời thường. Nhân vật mẫu trong các bức ảnh của ông khi đó chủ yếu là sinh viên do ông giảng dạy.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Đây là bức ảnh “Le Violon d’Ingres” (tạm dịch: Cây vĩ cầm của Ingres) chụp năm 1924 của nhiếp ảnh gia Man Ray – người tiên phong về chụp ảnh khỏa thân thời kỳ đầu thế kỷ XX.

Cái tên “Le violon d’Ingres” vốn xuất phát từ một thành ngữ tiếng Pháp có nghĩa là “sở thích”. Trong bức hình, Man Ray đã vẽ thêm hai kí tự trên lưng trần của người mẫu, tạo cho người xem có cảm giác thân hình cô ấy đã biến thành một cây đàn violon.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Nối tiếp theo trào lưu sáng tác nghệ thuật trên cơ thể người mẫu khỏa thân do Man Ray khởi xướng, Edmund Teske đã chụp bức ảnh này năm 1941 với một người mẫu nam được “xăm” hình cây lá trên thân thể.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Mỗi bức ảnh dường như đem đến cho người xem một câu chuyện riêng biệt và nhiếp ảnh khỏa thân cũng không ngoại lệ. Bức tranh “Navigation without Numbers” của Wynn Bullock năm 1957 là một tác phẩm làm được điều ấy. Trong bức hình, người xem có thể thấy hình ảnh một người mẹ đang gục đầu bên chiếc giường, trong khi đứa con nhỏ của cô nằm cách đó khá xa.

Theo những gì được kể lại, người mẫu trong bức hình là Marilyn và đứa trẻ trong bức ảnh là con ruột cô. Marilyn đã cộng tác với Wynn Bullock từ trước khi cô sinh con. Sau khi sinh, cô từng tâm sự với nhiếp ảnh gia rằng mình có lẽ sẽ phải bỏ đứa con đi bởi cô không đủ tiền nuôi nó. Bức ảnh ra đời trong hoàn cảnh ấy đã thể hiện phần nào được cảm xúc và tâm trạng thật của người mẫu, trở thành một trong những tác phẩm để đời của Wynn Bullock.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Bức hình “Three Graces” (tạm dịch: Ba mỹ nữ) của nhiếp ảnh gia Charles Swedlund chụp năm 1969. Tấm ảnh đã đưa nghệ thuật chụp ảnh khỏa thân lên một nấc thang phát triển mới, kế thừa phong cách của Thomas Eakins.

Không chỉ đơn thuần chụp lại vẻ đẹp cơ thể của ba thiếu nữ, điều mà Charles Swedlund làm được đó là khắc họa được vẻ đẹp ấy qua từng bóng chuyển động của mỗi nhân vật trong ảnh.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nhiếp ảnh khỏa thân

Bức ảnh “Thomas” được Robert Mapplethorpe – nhiếp ảnh gia nổi tiếng cuối thế kỷ XX chụp năm 1987. Thay vì lựa chọn người mẫu khỏa thân thường là phụ nữ như những người khác, Robert đã chọn mẫu nam nhằm khắc họa vẻ đẹp hình thể mạnh mẽ, săn chắc của những người đàn ông. Bức ảnh được lấy cảm hứng từ những bức vẽ cổ đại thời Hy Lạp.

 

Theo Trí Thức Trẻ