Người lớn biếng ăn: Nuốt cơm khổ như “cực hình”

Người lớn biếng ăn: Nuốt cơm khổ như 'cực hình'

Biếng ăn không chỉ có ở trẻ em mà còn có cả người lớn. Biếng ăn cũng có thể do bệnh nhưng cuộc sống với những áp lực cũng khiến tình trạng này thêm mệt mỏi. Chứng này thường gặp với những người ngồi công sở và ít vận động. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất làm cho người mệt mỏi, không tập trung làm việc. 

Chị Bình (Bắc Ninh) là người có tính thường xuyên lo lắng. Thêm vào đó công việc ngân hàng của chị khiến mọi thứ luôn trong tình trạng căng thẳng. Thời gian trong ngày của chị gần như dành cho công việc, ít có thời gian vận động. Làm việc trong môi trường như vậy khiến cho chị ăn uống ít khi đúng giờ. Từ lâu, chị Bình mắc chứng chán ăn. Dù có lúc rất đói bụng nhưng chỉ ăn 1 bát cơm là cảm giác no bụng. Đó là chưa kể những ngày nắng nóng, chị Bình gần như chỉ có uống nước, ăn sinh tố mà không hề thèm cơm hay các thức ăn khác. Những lúc như thế chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

Người lớn biếng ăn: Nuốt cơm khổ như 'cực hình'

“Mỗi khi có việc gì lo lắng là tôi không ăn được. Lúc đó, cảm giác chán ăn lại càng kinh khủng hơn. Những dịp cuối năm, báo cáo dồn dập phải thức đêm để làm càng khiến cho tình trạng chán ăn thêm nặng hơn. Nhất là những ngày mệt mỏi, tôi gần như chỉ ăn rau xanh, nghĩ đến thịt hay cá đều ngán”, chị Bình nói.

Tuy nhiên, không phải chán ăn đều do nguyên nhân từ stress, công việc áp lực, lo lắng, thời tiết hay cơ địa mà chán ăn cũng có thể do biểu hiện của bệnh. Trong đó, bệnh có liên quan đến gan thường gây chán ăn, kém ăn.

Anh Đức (Đống Đa, Hà Nội) có triệu chứng kém ăn khoảng 2 tháng nay. Trước đây, mỗi bữa anh ăn khoảng 3-4 bát nhưng gần đây chỉ ăn 1-1,5 bát có những hôm không ăn nổi 2 bát. Đặc biệt, mỗi khi ăn những đồ ăn có dầu mỡ, thịt… làm cho anh cảm thấy ngấy và buồn nôn. Khoảng 1 tuần trở lại đây, tình trạng ăn kém càng nghiêm trọng hơn, thậm chí anh không thể ăn được nổi 1 bát cơm.

“Vừa qua đi khám, tôi được bác sĩ chẩn đoán men gan tăng, chức năng gan bị ảnh hưởng dẫn đến ăn kém như vậy”, anh Đức nói.

 Khi cơ thể bị bệnh, có thể gây mệt mỏi và chán ăn. Các bệnh lý ở khoang miệng, răng lợi, họng, đường hô hấp trên… đều có thể khiến người bệnh bị đau, khó nuổt… khiến cho việc ăn uống bị hạn chế từ trước, trong và cả sau khi bệnh. 

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Nam (Chuyên khoa Dinh dưỡng) cho hay, một nguyên nhân quan trọng cũng là hậu quả của quá trình chán ăn kéo dài làm thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể, đặc biệt là protein, lysin, kẽm, kali, magiê… làm cho tình trạng chán ăn càng nặng nề thêm. Đây là một vòng luẩn quẩn vì chán ăn gây ra thiếu chất, mà thiếu chất thì càng chán ăn và cơ thể càng bị thiếu chất hơn nữa. Tình trạng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu) khiến bạn không muốn ăn bất cứ loại đồ ăn nào vì không muốn phải chịu đựng cảm giác khó chịu hơn nữa.

Cách khắc phục chứng biếng ăn 

Theo bác sĩ Nam, để khắc phục chứng biếng ăn, bạn nên ăn uống đúng giờ, không nên ăn uống giờ giấc linh tinh. Trước khi ăn, không nên uống nước ngọt, ăn bánh ngọt… sẽ làm cho bạn bị đầy bụng dẫn đến không muốn ăn.

Nếu không muốn ăn cần chia bữa ăn thành các bữa nhỏ, có thể không phải 3 bữa mà chia thành 6 bữa/ngày với lượng thức ăn của từng bữa ít hơn. Phối hợp đa dạng các loại thức ăn, kết hợp giữa rau xanh và các thực phẩm khác. Mặt khác, bạn thường xuyên thay đổi món để có cảm giác ngon miệng hơn.

Ngoài ra, bạn cần bổ sung thêm vitamin B, A, E, kẽm để giúp tăng cường cảm giác ngon miệng. Luyện tập thể thao giúp bạn có thể tiêu hao năng lượng từ đó bạn sẽ ăn nhiều hơn.

Ngoài ra, thường xuyên đi khám sức khỏe để phát hiện bệnh ở gan, thận hay hê tiêu hóa. Đôi khi rối loạn tiêu hóa cũng khiến bạn bị kém ăn, do đó cần được chữa trị sớm.

Đông Ngân

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.