Người Myanmar tiếp tục vất vưởng sau bão Nargis

Người Myanmar tiếp tục vất vưởng sau bão Nargis

Sáu tháng sau khi bão Nargis tràn vào Myanmar làm hơn 130.000 người thiệt mạng, nhiều người dân sống tại vùng châu thổ Irrawaddy, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất, vẫn tiếp tục nhờ vào lương thực cứu trợ để sống qua ngày.

Chúng tôi ăn đậu và gạo do một tổ chức từ thiện có tên gọi Care Myanmar cung cấp, uống nước mưa và bắt cá dưới nhánh sông này”, Maung Oo, 51 tuổi, vừa nói vừa nhìn đăm đăm xuống dòng nước đang vỗ vào túp lều tạm bợ làm từ tre và vải dầu của mình.

Xung quanh ngôi làng Pay Kunhasay mà Maung Oo sống, nằm cách thủ đô Yangon 40 km về phía nam, nhiều đồng lúa chìm trong nước và không thể gieo cấy, không giống với tuyên bố của Tổ chức Nông Lương LHQ rằng 97% khu vực chịu ảnh hưởng của bão tại Irrawaddy, từng là “vựa lúa của châu Á”, đang được trồng trọt lại.

Người Myanmar tiếp tục vất vưởng sau bão Nargis

Ngôi nhà tạm bợ của một đôi vợ chồng Myanmar tại làng Pay Kunhasay (Ảnh: Reuters)

Chúng tôi không thể đợi đến lúc lúa của chúng tôi lớn lên. Chúng tôi thật sự ghét phải sống nhờ vào của cứu tế”, Maung Oo nói. “Chúng tôi không muốn lệ thuộc vào người khác, nhưng thành thực mà nói chúng tôi không dám mơ tưởng gì vào lúc này bởi hoàn cảnh hiện giờ không cho phép chúng tôi độc lập kiếm sống”. 

Theo Maung Oo, có lẽ phải mất bốn tuần nữa ông mới có thể bắt đầu gieo trồng lại.

Thời tiết gió mùa khắc nghiệt tại Irrawaddy trong bốn tháng qua cũng khiến người dân nơi đây lao đao, và mọi cơn bão dù lớn nhỏ đều gây ra lo ngại cơn bão ngày 2-5 sẽ tái diễn.

Chúng tôi sợ chết khi trời nổi gió, vì vậy chúng tôi luôn kè kè máy phát thanh bên người và nghe bản tin thời tiết để biết mức độ nguy hiểm”, bà Ma Nu, một người dân tại Irrawaddy, nói.

Theo Nhóm hợp tác ba bên (Tripartite Core Group) giữa LHQ, ASEAN và Chính phủ Myanmar, sau khi bão Nargis tràn qua gây ảnh hưởng đến 2,4 triệu người, đã có gần 1 triệu người được viện trợ lương thực; các trường học được mở cửa trở lại, gia súc gia cầm được chuyển sang chỗ mới.

Nhiều khu tạm cư cũng được dựng lên cho hơn 1,7 triệu người, tuy nhiên các nạn nhân bão cần được tiếp tục viện trợ và hỗ trợ về lâu dài; trong khi theo thống kê, đến nay mới chỉ có 53% trong tổng số 484 triệu USD mà các nước cam kết viện trợ được chuyển đến Myanmar.

 

Theo Tường Vy – Tuổi trẻ online (Reuters)