Không phải tình nhân nào cũng xấu xa!
Chị vừa ra sách mới, khai thác đề tài ngoại tình. Tại sao chị lại đứng dưới góc nhìn của nhân tình để kể lại câu chuyện mà không phải là người vợ bị chồng bội bạc?
– Đơn giản vì tôi thấy quá nhiều cuốn sách kể dưới góc độ của một người vợ rồi, nên tôi muốn khai thác một góc độ mới mẻ hơn. Người ta vẫn luôn chửi bới miệt thị tình nhân, nhưng tôi nghĩ tình nhân họ cũng là con người, thậm chí tôi nhìn thấy rất nhiều người trong số đó còn là những người rất đáng được trân trọng, không phải cứ tình nhân thì đều là những kẻ xấu xa như người ta vẫn lên án.
Kẻ thứ ba vẫn luôn bị lên án là kẻ phá vỡ hạnh phúc của người khác. Nhưng chị lại cho rằng không phải lúc nào họ cũng xấu xa như người ta nghĩ. Vậy theo chị, những mặt tốt, điều có thể đồng cảm với họ là gì?
– Nếu chỉ xét ở mặt luật pháp và đạo đức đương nhiên tình nhân là những người có lỗi. Nhưng xét ở góc độ tình cảm thì tình nhân là những kẻ đáng thương, họ đáng thương vì họ quá nhẹ dạ để tin vào một chữ yêu. Họ đáng thương vì họ không làm chủ được những yếu mềm trong cảm xúc trái tim của mình. Tôi biết có rất nhiều người họ thừa hiểu rằng làm tình nhân là sai trái, là xấu xa, họ đã cố gắng không bước vào, nhưng rồi họ thất bại bởi sự điều khiển của trái tim, để rồi cuối cùng chính họ là người phải gánh chịu lấy mọi đau thương. Cuốn sách của tôi cũng đề cập đến vấn đề này.
Lên tiếng đòi hỏi sự cảm thông cho kẻ phá vợ hạnh phúc của người khác, chị có sợ lại bị dư luận “ném đá”?
– Cuốn sách của tôi không đòi hỏi ai phải cảm thông cho tình nhân hết. Tôi dùng cái nhìn khách quan để kể lại một câu chuyện ngoại tình, còn người đọc có quyền có những cảm nhận của riêng họ. Hơn nữa, bất cứ một vấn đề gì thì dư luận luôn có nhiều phía, ném đá hay không là quyền của họ, tôi không quan tâm.
Chúng ta đã nói nhiều về chuyện phụ nữ đánh ghen, nhưng mới chỉ là chuyện người vợ đánh ghen nhân tình. Giờ đây, nếu tìm kiếm cụm từ đánh ghen ngược thì Google cũng cho ra hơn 200.000 nghìn kết quả. Giữa năm 2014, báo chí cũng từng đưa tin về vụ việc một người vợ chết thảm vì bị nhân tình của chồng đánh ghen. Phải chăng vì suy nghĩ “Ta là nhân tình, ta là con người, ta cũng có quyền” nên những kẻ thứ ba ngày càng tự tin tranh cướp tình yêu?
– Câu hỏi của bạn rất hay, chúng ta chỉ dùng 1 chữ “tình nhân” để ý chỉ những kẻ thứ ba. Nhưng tình nhân cũng có dăm bẩy loại, đơn giản hơn là chia họ ra làm hai loại, loại có tự trọng và loại không có tự trọng. Rất nhiều tình nhân luôn tìm cách nhận sự thiệt thòi về mình, vì bản thân họ ý thức được hành vi việc làm của mình là không đúng với chuẩn mực xã hội. Nhưng cũng không ít những kẻ như bạn đề cập ở phía trên, cũng chính vì có những kẻ như vậy nên xã hội và mọi người ngày càng căm ghét tình nhân. Nếu hỏi tôi tình nhân có quyền gì trong cuộc tình sai trái ấy không? Thì tôi trả lời là có, họ có quyền lựa chọn bước vào hay không bước vào, họ có quyền được yêu, nhưng không có quyền được đòi hỏi sự công bằng ở đây, vì bản thân họ vốn dĩ là những người không được thừa nhận.
Làm tình nhân sướng hơn làm vợ?!
Một bà vợ rất yêu thương chồng con, đầu tắt mặt tối lo cho gia đình chu toàn. Một ngày đẹp trời bà vợ nhếch nhác ấy bắt gặp chồng mình đang tay trong tay với cô nhân tình bé nhỏ, xinh đẹp. Nếu phải chọn hóa thân thành bà vợ hoặc cô nhân tình, chị sẽ là ai? Sẽ làm gì khi rơi vào hoàn cảnh này?
– Ngay từ cách đặt vấn đề của bạn, thì đã có thể thấy có vẻ như làm tình nhân “sướng” hơn hẳn việc làm vợ, mà thực tế rõ ràng cũng sướng hơn thật. Vì tình nhân không phải gánh bất cứ trách nhiệm nào hết, chỉ việc sống và hưởng thụ tình yêu. Thế nhưng bạn biết đấy, tôi viết cuốn sách “Hạnh phúc không dành cho tình nhân”, là một lời khẳng định rất rõ ràng, làm tình nhân không bao giờ có hạnh phúc. Liệu rằng tôi có ngu ngốc để chọn cho mình một con đường mà mình biết rõ ràng là không hề hạnh phúc hay không?
Vợ có nhiều loại (vợ đảm, vợ ngoan, vợ vụng…), chồng có nhiều kiểu (có trách nhiệm, vô trách nhiệm,…), tình nhân có phân loại được không? (như kiểu biết điều và không biết điều…)?
Làm tình nhân cho dù bạn có tốt đẹp đến đâu, biết điều biết hi sinh đến mấy, thì khi bạn chấp nhận trở thành tình nhân, cũng có nghĩa bạn trở thành một kẻ xấu xa, mạt hạng trong mắt tất cả mọi người.
Còn việc tình nhân cũng có nhiều loại thì là lẽ đương nhiên, vì bản thân câu chuyện tình yêu, hoàn cảnh ngoại tình của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai cả, và tình nhân cũng vậy, chẳng ai giống ai hết, chỉ có điều nỗi đau và sự tổn thương thì chung là một.
Nếu độc giả cho rằng chị cũng là một kẻ thứ ba nên mới lên tiếng bênh tình nhân chằm chặp như vậy, chị nghĩ sao?
– Tôi nhắc lại cuốn sách của tôi không hề bênh vực bất cứ ai, cuốn sách của tôi chỉ giống như một cuốn nhật ký, ghi lại những day dứt đau khổ mà hầu như bất cứ ai khi chấp nhận làm tình nhân cũng sẽ đều phải trải qua. Thú thật là khi cuốn sách được phát hành, tôi nhận được nhiều inbox của những người xa lạ, họ chia sẻ với tôi về chuyện của họ, họ thừa nhận bản thân họ đã từng trải qua những cảm xúc giống như nhân vật trong truyện, và tôi nhận ra rằng hình như càng ngày càng có nhiều tình nhân thì phải. Còn việc tôi có phải là một kẻ thứ ba hay không thì tôi xin phép không trả lời.
“Đừng chết vì yêu” là tuyên ngôn về tình yêu. “Hạnh phúc không dành cho tình nhân” chị muốn nhắn nhủ điều gì?
Bản thân tựa sách đã chính là tuyên ngôn của tôi rồi “Hạnh phúc không dành cho tình nhân”, làm tình nhân cho dù có thể được sống trong tình yêu, nhưng chắc chắn không bao giờ có hạnh phúc.
Nguồn: Theo Vietnamnet
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.