Đó là chia sẻ của bà Thạch Lê Anh, sáng lập và nhà điều hành dự án Vietnam Silicon Valley (VSV) – Dự án với mục tiêu xây dựng một ‘hệ sinh thái’ cho cộng đồng Startup Việt Nam.
Từng hỗ trợ nhiều dự án gọi vốn thành công, bà Lê Anh cho rằng, cái những người Việt trẻ tuổi đang thiếu không chỉ là kiến thức và kỹ năng, mà còn thiếu cả bản lĩnh ‘dám’ thực hiện ước mơ.
Ra mắt từ giữa năm 2013, nhưng dự án VSV khá “im hơi lặng tiếng” và không được nhiều người biết đến. Tại sao VSV không đẩy mạnh quảng bá để nhiều startup biết tới mình hơn?
Bà Thạch Lê Anh: Có 2 lý do, thứ nhất lý do chủ quan là VSV muốn “làm được” rồi mới “nói”, bởi đây là mô hình mới, chưa có nhiều người hiểu về vấn đề này. Chúng tôi phải xây dựng thành công rồi “chỉ” để mọi người cùng thấy, “trăm nghe không bằng một thấy” mà.
Nói thì có vẻ dễ nhưng hiểu được cốt lõi và làm chính xác (chứ không phải làm đúng) thì mới thành công được. Thứ hai, khách quan mà nói, VSV chưa được cấp kinh phí để truyền thông, ngoại trừ tổ chức một số hội thảo cho một vài trăm người có quan tâm đến vấn đề này.
Sự ra đời của VSV cho thấy Chính phủ nhận thấy tiềm năng của startup tại Việt Nam. Bà có thể cho biết tiềm năng này qua một vài con số cụ thể không? Sau 1 thập kỷ tồn tại, các startup Việt Nam đã mang tới những tín hiệu tích cực nào?
Theo sự khảo sát mà VSV đã thực hiện thì có khoảng 20.000 bạn trẻ đang hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp này. Mặc dù VSV “im hơi lặng tiếng” nhưng mỗi lần thông báo nhận đầu tư thì có khoảng 100 nhóm đăng ký, mỗi nhóm trung bình có từ 3 đến 5 bạn. Nếu nói sau 1 thập kỷ tồn tại thì chưa chính xác bởi việc này mới rộ lên trong khoảng 4 năm trở lại đây.
Lúc đầu, khởi xướng cũng chỉ là một vài nhóm lẻ tẻ do các bạn đi du học nước ngoài về, muốn tự khởi nghiệp thay vì tìm những vị trí an toàn trong cơ quan nhà nước hoặc có thu nhập cao trong các tổ chức nước ngoài. Nhưng nay đã có một cộng đồng tương đối đông đảo, đây là tín hiệu rất tích cực vì văn hoá tự lập, dám theo đuổi đam mê hoài bão của mình đã lan toả nhanh chóng trong giới trẻ.
Mục tiêu tạo ra một “hệ sinh thái” mà VSV hướng tới bao hàm những yếu tố nào? Theo bà, việc VSV cần làm nhất bây giờ là gì?
Mục tiêu này là rất tham vọng, bởi không phải quốc gia nào cũng làm thành công. Hệ sinh thái ở đây bao hàm những nhân tố có mối quan hệ hữu cơ với nhau, nhân tố này tìm thấy sự phát triển của mình từ những nhân tố còn lại.
Tôi có thể liệt kê không theo thứ tự như sau: các cơ quan Chính phủ, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các nhà đầu tư Thiên thần, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty đại chúng, các tổ chức cung cấp dịch vụ… đây là những nhân tố không thể thiếu để hỗ trợ cho các startup.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.