Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature khẳng định nguy cơ thiên thạch đâm vào trái đất như vụ nổ thiên thạch tại Nga hồi tháng 2 lớn hơn nhiều so với các dự báo trước đó.
Thiên thạch nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk thuộc Nga ngày 15/2 rộng khoảng 19m, nổ trong bầu khí quyền với sức công phá tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT, khiến 1.000 người bị thương.
Thiên thạch nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga hồi tháng 2 – (Ảnh: Space.com)
Theo BBC, nhóm chuyên gia do giáo sư Peter Brown thuộc ĐH Western Ontario (Canada) đã nghiên cứu dữ liệu do các cảm biến của chính phủ Mỹ thu thập trong 20 năm qua và phát hiện trong khoảng thời gian này đã có 60 thiên thạch rộng 20m đâm vào trái đất.
Phần lớn không bị phát hiện bởi chúng nổ phía trên các đại dương hoặc những vùng hoang vắng. Các phân tích cho thấy số lần thiên thạch cỡ này rơi xuống trái đất cao gấp 10 lần những tính toán trước đây.
“Trước đây mọi người nghĩ rằng một vụ như Chelyabinsk chỉ xảy ra 150 năm một lần. Nhưng các dữ liệu cho thấy cứ 30 năm nó lại xảy ra một lần” – giáo sư Brown cho biết.
Vụ nổ thiên thạch ở Tunguska, Siberia năm 1908 khiến hàng nghìn km2 rừng bị san phẳng. Giáo sư Brown ước tính một vụ lớn đến thế xảy ra khoảng vài trăm năm một lần chứ không phải vài nghìn năm như các đánh giá trước đó.
Nhóm chuyên gia kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm thiên thạch. “Có hàng triệu thiên thạch lớn hơn 10m đang bay gần trái đất và có thể đâm vào trái đất. Đến nay chúng tôi mới chỉ phát hiện hơn 1.000 thiên thạch kiểu này. Cần phải có những hệ thống phát hiện chúng vài tuần trước khi chúng đâm xuống đất” – giáo sư Brown nhấn mạnh.
Theo Tuổi Trẻ