Quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng nên bệnh nhân thường không biết mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi gây đau đớn, hay đi tiểu ra sỏi mới biết
Sỏi thận là nguyên nhân dẫn đến suy thận
Sỏi thận là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi thận là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy thận.
Sỏi trong thận được hình khi lượng nước tiểu quá ít hay nồng độ chất khoáng trong nước tiểu tăng cao, lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.
Sỏi thận thường có các triệu chứng: cơn đau thận do sỏi gây tắc bể thận và niệu quản, gây đau vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, bìu, kèm nôn hay trướng bụng. Có khi chỉ đau âm ỉ vùng thắt lưng do sỏi không gây tắc. Tiểu ra máu do sỏi gây tổn thương đường tiết niệu hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương thận chảy máu. Người mắc bệnh cũng có sốt cao 38 – 39 độ C, hoặc bị ớn lạnh, thận to đau, cảm giác bỏng rát, đau khi tiểu, nước tiểu đục do nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận
Sỏi thận do lắng đọng: Vì uống nước không đủ, nhất là với những người lao động nặng nhọc, hoặc mải làm việc cả ngày không uống nước, lúc uống lại uống quá nhiều mà không uống đều trong ngày. Nguồn nước uống chứa nhiều canxi…cũng gây tạo sỏi.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý: Ăn thiên lệch một loại thức ăn, cụ thể là ăn quá nhiều thịt hoặc ngược lại, ăn quá nhiều rau cũng là những nguyên nhân gây nên sỏi thận. Ăn nhiều muối, người thừa cân béo phì, nghiện rượu… nguy cơ mắc bệnh cao.
Nhiễm trùng bộ phận sinh dục: Nguyên nhân này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn. Khi không vệ sinh thường xuyên, vi trùng có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, từ đó hình thành sỏi.
Hiếm gặp là các trường hợp có dị vật trong bàng quang. Y văn thế giới có ghi một số trường hợp bị dị vật như lá cây, cỏ, rơm, hoặc do thông tiểu bị tụt ống thông vào trong. Những dị vật đó cũng làm lắng đọng sỏi, thậm chí sỏi rất lớn.
Để phòng bệnh, mỗi người cần “ngăn chặn” từ đầu các nguy cơ, nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể như: Uống nước đủ và đều, ăn uống hợp lý, vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách (nhất là với nữ), không uống quá nhiều rượu bia…
Nếu có những triệu chứng của bệnh, cần đi khám để bác sĩ chuyên khoa có phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Nếu nhẹ, có thể điều trị nội khoa (uống nước nhiều, uống nước râu ngô hay thuốc lợi tiểu nếu sỏi nhỏ dưới 5mm; uống thuốc giãn cơ để niệu quản không co thắt, đồng thời uống thuốc lợi tiểu để sỏi ra ngoài). Nếu điều trị nội khoa không có kết quả, bệnh nhân có thể được chỉ định ngoại khoa (mổ thận lấy sỏi, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi, thậm chí là mổ nội soi gắp sỏi).