Là phụ nữ sở hữu gương mặt xinh đẹp, mặn mà nhưng chị Nguyễn Huyền Mến không chọn con đường nhẹ nhàng như nhiều người đẹp khác. Ngược lại, ngay sau khi rời Đại học Kinh tế Quốc dân, chị Huyền Mến đã dấn thân vào hai lĩnh vực chỉ dành cho phái mạnh: bất động sản và chứng khoán.
Sau 2 thập kỷ lao động miệt mài, chị đã gặt hái được nhiều thành công mà không phải đàn ông làm cũng làm được. Đó là bên cạnh điều hành một công ty riêng kinh doanh phát đạt, chị sở hữu và quản lý các tài khoản lên tới ngàn tỷ đồng. Phóng viên đã trao đổi với chị Nguyễn Huyền Mến về công việc kinh doanh, đầu tư với quy mô lớn của chị.
– Xinh đẹp như vậy tại sao chị không chọn ngành nghề nhàn hạ mà lại kinh doanh chứng khoán, bất động sản – hai lĩnh vực khiến ngay cả đàn ông cũng “đau đầu”?
Tôi tốt học Đại học Kinh tế Quốc dân. Vì nhà có điều kiện nên ngay từ bé, tôi đã được đi rất nhiều nước trên thế giới. Tôi nhận thấy ở đâu cũng vậy: Nhất thổ, nhì kim. 2 nghề đó, nếu có vốn thì rất dễ kinh doanh. Nếu không có vốn thì bắt đầu từ nghề môi giới.
Tôi đi nhiều nước nên nhận thấy các dự án bất động sản có trước Việt Nam từ 30 tới 60 năm. Ở Việt Nam, năm 1994-1996 mới có dự án đầu tiên của HUD. Lúc đấy phân phối hàng chưa có sàn giao dịch bất động sản, chưa có công ty môi giới bất động sản. Cùng lắm chỉ có vài người môi giới “cò con”.
Tôi có cơ hội đi các nước học hỏi nên khi thấy có cơ hội, tôi mở công ty môi giới bất động sản. Thời gian đầu, tôi ký hợp đồng vớiVinaconex, Tổng công ty Sông Đà.
Tôi tham gia thị trường từ năm 1996, thời điểm chưa sốt đất. Khi đó, giá trị các thương vụ khá thấp nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cao. Ví dụ, một căn hộ ở Trung Hòa Nhân Chính thời gian đầu chỉ có giá 500 triệu nhưng đến khi bán có thể thu về 4 tỷ, 5 tỷ, thậm chí 6 tỷ. 1 lô đất ở Văn Quán có giá 200 triệu, 300 triệu nhưng đến khi bán lại vọt lên 10 tỷ, 20 tỷ. Ở Thanh Xuân, tôi mua 1 căn hộ giá 50 triệu. Sau khi sửa sang, tôi bán được 100 triệu đồng. Có căn chỉ được rao với giá 30 triệu đồng, tương đương một chiếc Dream.
Tôi bắt đầu kinh doanh từ 1 tỷ đồng. Sau nhiều giao dịch như vậy, số vốn được nhân lên rất nhiều, tới hàng trăm tỷ đồng.
– Đang thành công ở lĩnh vực bất động sản, tại sao chị lấn sân sang chứng khoán?
Tôi đã tới rất nhiều nước châu ÂU và nhận thấy tất cả những người giàu nhất đều đi lên từ chứng khoán và bất động sản. Tại thời điểm đó, ở Việt Nam, chưa ai làm được như vậy, chưa ai giàu bật lên từ 2 ngành này. Vì thế, khi thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa, tôi là một trong những người đầu tiên tham gia.
Tôi rất yêu nghề môi giới. Năm 2000, công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) được xem là nhà tạo lập chứng khoán. Sau đó tới công ty chứng khoán Vndirect (VND) và Kim Long. Tôi làm môi giới OTC cho VND và SSI. Lãnh đạo hai công ty này mời tôi về làm việc nhưng vì có công ty riêng nên tôi chỉ làm môi giới thôi.
– Hưởng nhiều “trái ngọt” từ chứng khoán, có khi nào chị nếm “trái đắng” khi thị trường “lao dốc” không?
Với tôi, đầu tư chứng khoán khá đơn giản, không có gì khó khăn cả. Rẻ thì tôi mua vào, đắt thì bán ra. Kể cả khi thị trường ảm đạm, xuống dốc, kể cả khi các tin xấu cùng xuất hiện khiến nhà đầu tư lo lắng, tôi vẫn giữ quan điểm, càng xấu càng mua vào.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến trái chiều với thế giới. Ở nước ngoài, khi tin tốt xuất hiện, giá chứng khoán tăng từ từ nhưng ở VIệt Nam, tin tốt xuất hiện, giá chứng khoán tăng mạnh. Khi đó, tôi không mua vào như đa số các nhà đầu tư khác mà bán ra dần dần.
Muốn làm được điều đó thì phải có vốn. Khi có nhiều tiền, cần chia ra nhiều lĩnh vực đầu tư khác nhau. Tôi dành 30% cho chứng khoán, 40% cho bất động sản. 30% vốn còn lại tôi đầu tư vào sản xuất, chế tạo, du lịch, spa,…
– Với bất động sản thì sao? Đã có nhiều nhà đầu tư “chết” vì bất động sản. Đã có lúc nào gặp khó chưa?
Bất động sản buôn 1 năm có thể ăn 20, 30 năm. Thậm chí, 1 năm sốt đất, tôi có thể ăn được cả 100 năm. Chẳng có gì khó khăn cả. Có những lô đất tôi mua chỉ với giá 500 tiệu tới 1 tỷ đồng nhưng toàn bán được từ 10 tỷ trở lên.
Khoản tiền này tôi mang đầu tư tiếp hoặc gửi tiết kiệm. Có thời điểm “nghỉ” giao dịch, tôi gửi tiết kiệm với lãi suất 25%/năm. Vốn đó nhân lên rất nhiều. Vì thế, bất động sản không làm khó tôi. Quan trọng là mua đúng thời điểm, bán đúng thời điểm. Chứng khoán cũng vậy.
Trong chứng khoán, ai cũng biết câu “biết chốt lời và biết cắt lỗ” nhưng không phải ai cũng đủ “tinh thần thép” để thực hiện nguyên tắc này. Tôi thì khác, có cổ phiếu chỉ đạt 7% lợi nhuận nhưng tôi vẫn chốt lãi. Khi giá xuống thấp hơn tôi mới mua vào.
– Đầu tư nhiều như vậy nhưng có vẻ chẳng mấy khi chị phải đau đầu?
Chẳng bao giờ tôi phải đau đầu vì chứng khoán hay bất động sản. Mặc dù gia đình có điều kiện nhưng tất cả những gì tôi có được đều từ hai bàn tay trắng. Tôi đi lên từ môi giới.
Trong kinh doanh, quan trọng là phải định hình kinh doanh cái gì, định làm gì phải yêu nó. Môi giới nghĩa là “tay không bắt giặc”. Đừng bao giờ nghĩ có ngần này tiền, cái gì cũng có duyên và kiến thức. Nghĩ vì tiền quá khi thị trường xuống thì sẽ đau đầu ngay.
Chúng ta ai cũng vậy thôi, 1 ngày ăn 3 bữa nên đừng quá lo lắng khi thị trường lên xuống, Đầu tư cũng như bảo hiểm. Tiền mình bỏ ra thì vẫn còn đó. Thị trường có xuống, ắt có lên. Khi xuống thì mình chờ đợi, khi lên, đạt đủ lợi nhuận thì bán ra.
Nhà đầu tư nên học tập tính kiên nhẫn. Khi bán hàng xong rồi không được sốt ruột. Khi có giá thích hợp mới nên mua vào. Ví dụ với bất động sản, tôi bán hết hàng năm 2000 rồi nghỉ 5 năm mới đầu tư tiếp. Với thị trường chứng khoán, có thời điểm tôi phải chờ vài tháng.
– Có công ty riêng, nhận ủy thác cho nhiều khách hàng, chị quản lý công việc như thế nào?
Tôi quản lý công việc qua điện thoại, không phải đến từng công ty một. Tôi khá tin tưởng vì ở đâu cũng có người nhà, anh em, họ hàng trông chừng giúp. Nói chung, tôi đi buôn nhẹ nhàng, ăn no ngủ kĩ chẳng có gì suy nghĩ.
Thực ra không dễ gì để kinh doanh nhẹ nhàng như vậy. Tôi làm được vì biết cái gì cũng có chu kỳ, quan trọng là phải học hỏi. Tôi học rất nhiều. Buổi tối, tôi tham gia tất cả các lớp bất động sản, môi giới, dịch vụ khách hàng, marketing. Có học tôi mới chăm sóc tốt khách hàng, mới có khách.
Tham gia thị trường bất động sản 20 năm nhưng năm ngoái tôi mới ngừng học. Các lớp học giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức và cả khách hàng. Có khách hàng trong lớp ủy thác cả trăm tỷ cho tôi.
– Một mình làm nhiều công việc như thế, chị chăm sóc gia đình và nghỉ ngơi khi nào?
Tôi có một cháu học lớp 10. Cháu cũng lớn rồi nên mẹ không phải dành nhiều thời gian và công sức như khi cháu còn bé nữa.
Bên cạnh chăm sóc con, hàng ngày, tôi vẫn dành thời gian riêng cho bản thân như đi spa, tập yoga và đánh golf. Một tuần, tôi di spa và đánh golf 3 lần.
Tôi quan điểm việc làm đẹp, chăm sóc bản thân không chỉ là để mình tận hưởng thành quả lao động mà mình làm ra nó còn giúp cho các mối quan hệ của mình mở rộng và phát triển. Khi đi đánh golf, tôi vừa được tập thể dục, vừa có cơ hội tiếp xúc khách hàng. Đánh golf đã giúp ích rất nhiều cho công việc môi giới chứng khoán của tôi.
Vân Khánh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.