Vài ngày sau khi bé chào đời, mẹ sẽ nhận thấy da của bé dần chuyển sang màu vàng. Đây gọi là hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh, xảy ra ở 60% trẻ sơ sinh khỏe mạnh (sinh sau 38 tuần).
Hiện tượng vàng da trở nên phổ biến hơn ở những trẻ sinh sớm so với ngày dự sinh hoặc sức khỏe trẻ không tốt khi chào đời. Hiện tượng này sẽ tự biến mất sau vài ngày và hầu như không gây ra bất cứ biến chứng nguy hiểm nào.
Vàng da là gì?
Vàng da là hiện tượng gây nên bởi có quá nhiều bilirubin trong máu của bé. Bilirubin là một sắc tố màu vàng cam, một sản phẩm chất thải hình thành từ sự thoái hóa bình thường của heme (một chất tìm thấy chủ yếu trong hemoglobin protein ở các tế bào hồng cầu).
Khi bé còn nằm trong tử cung của người mẹ, nhau thai sẽ có nhiệm vụ di chuyển các bilirubin này. Sau khi chào đời, bé không nhận được sự hỗ trợ từ nhau thai nữa mà tự bản thân bé phải đảm nhận nhiệm vụ này, cụ thể là gan của bé.
Tuy nhiên, gan của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện hoàn toàn và phải mất vài ngày hoặc vài tuần để hoạt động bình thường. Trong thời gian chờ đợi này, cơ thể bé vẫn sản xuất và tái tạo hồng cầu, chất thải bilirubin vẫn được sản xuất ra mà chưa được gan lọc đi khiến da bé có màu vàng.
Triệu chứng vàng da
Triệu chứng vàng da đầu tiên là da bé hơi ngả màu vàng nhạt, bắt đầu từ mặt, trán và di chuyển xuống phía dưới. Theo thuật ngữ y khoa, hiện tượng này gọi là vàng da sinh lý, tức là sẽ không ảnh hưởng gì đến bé và nó chỉ là hiện tượng tự nhiên của cơ thể.
Nếu bé là người da vàng hoặc da đen, hiện tượng vàng da sẽ không rõ rệt. Thay vào đó, mẹ có thể nhìn thấy da bé vàng rõ ở vùng xung quanh mắt, trong miệng, lòng bàn tay và bàn chân.
Một số triệu chứng vàng da khác mẹ cũng cần quan tâm như:
– Bé buồn ngủ, uể oải, luôn trong trạng thái thèm ngủ
– Có thể bú ít
– Nước tiểu vàng hơn bình thường
Vàng da sinh lý chỉ xuất hiện ở trán và mặt (mức độ nhẹ), ngực và bụng (mức độ nặng hơn), và lòng bàn tay và chân (mức độ nặng nhất).
Nguyên nhân gây vàng da?
Trẻ khi sinh ra đã có lượng tế bào hồng cầu cao trong máu. Vì trong 4 tuần đầu sau sinh, tủy xương của bé sẽ không sản xuất thêm bất cứ tế bào hồng cầu nào. Những tế bào hồng cầu được tái tạo trong cơ thể trẻ và do đó thải ra chất thải bilirubin. Lượng bilirubin tăng cao trong quá trình thay đổi môi trường sống, từ tử cung của mẹ ra cuộc sống bên ngoài. Đây cũng là hiện tượng bình thường tự nhiên.
Vàng da bệnh lý xảy ra khi mức bilirubin quá cao do một số yếu tố như:
– Tế bào máu bất thường
– Chảy máu dưới da đầu, phần lớn do ca sinh nở khó
– Không tương thích giữa nhóm máu Rh và ABO.
– Viêm gan sơ sinh do virus (cytomegalovirus, rubella, viêm gan A, B và C).
– Thiếu hụt một hoặc nhiều loại enzym nào đó.
– Tế bào hồng cầu nhiều hơn mức bình thường, chủ yếu xảy ra ở trẻ sinh non hoặc trẻ sinh đôi, sinh ba.
– Trẻ sinh non có nguy cơ bị vàng da bệnh lý do cơ quan gan chưa hoàn thiện và mất nhiều thời gian thích nghi hơn sau khi chào đời.
– Nhiễm trùng máu.
– Các bệnh như xơ nang hoặc hẹp đường mật
– Thiếu oxy.
– Các rối loạn di truyền khác.
Việt Hà – Nguồn: BB
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.