Bạn có thể bật, tắt bình nóng lạnh trên đường từ cơ quan về nhà bằng điện thoại di động; lập trình cho các thiết bị điện ở nhà hoạt động theo lịch; hoặc từ cơ quan có thể vào Internet để xem con ở nhà đang làm gì… Đó là vài giải pháp trong sản phẩm “Nhà thông minh” của anh Lê Phước Chín.
Vốn là giảng viên trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đà Nẵng, năm 2006, anh Lê Phước Chín xin nghỉ hưu sớm để thành lập Công ty TNHH Lê Phước (16 Trần Quang Diệu, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tạo các sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử. Sau một loạt những giải pháp gây được sự chú ý như Máy tra cứu thông tin đa năng, đèn cảm ứng, đèn năng lượng mặt trời…, mới đây, Lê Phước Chín lại tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm mới: “Nhà thông minh”– ngôi nhà với các thiết bị gia dụng được điều khiển bằng điện thoại di động từ xa, hay kiểm soát tình hình ngôi nhà từ Internet….
Theo anh Chín, một căn nhà thông minh nghĩa là toàn bộ hệ thống các thiết bị sử dụng điện như đèn chiếu sáng, thiết bị nghe, nhìn, máy lạnh, bình nóng lạnh, rèm cửa, cửa ra vào, hệ thống kiểm soát an ninh…, đều có thể điều khiển từ xa bằng các thiết bị như remote; điện thoại (cố định và di động); máy tính hay PDA thông qua trình duyệt Internet.
(Ảnh: www.dvdnavigators.lv) |
Anh Lê Phước Chín cho biết, giá chào hàng sản phẩm này sẽ làm nhiều người bất ngờ: chỉ 16 triệu đồng cho gói giải pháp tối thiểu dùng cho an ninh báo động khẩn cấp. Gói này gồm 7 thiết bị có khả năng điều khiển tất cả các thiết bị điện kết nối qua điện thoại, báo động chống trộm 32 vùng không dây và 2 vùng có dây, báo động tới 6 số điện thoại khác nhau, ghi âm cảnh báo bằng tiếng Việt, lập trình báo động khẩn cấp, báo động theo từng khu vực, có thể mở rộng kết nối đến các thiết bị khác để báo cháy, báo xì ga, báo vỡ kính,…
Thực tế, các giải pháp công nghệ Smart Home (nhà thông minh) đã được nhiều doanh nghiệp cung cấp. Bản thân anh Chín đã tiếp cận các giải pháp đó, như mẫu nhà hãng Lagrand (Pháp), hãng Comfort (Singapore), hãng Siemens (Đức)… và nhận thấy giá của các giải pháp này lên đến cả trăm triệu chưa kể thiết bị.
Anh Chín đã cùng các cộng sự tìm cách thay thế các yêu cầu kỹ thuật đắt tiền, các phần mềm ứng dụng hợp lý để cho ra sản phẩm giá rẻ này. Mô hình “Nhà thông minh” của Công ty Lê Phước áp dụng giải pháp công nghệ X10 (Mỹ) cho phép điều khiển thuận tiện 9 loại thiết bị công nghệ, như bộ điều khiển trung tâm, thiết bị báo động mở cửa hoặc két sắt, thiết bị nhận diện người lạ xâm nhập, thiết bị điều khiển điện gia đình, thiết bị kết nối Internet… Với những trang bị đó, chủ nhà có thể kiểm soát và điều khiển từ xa mọi thiết bị điện, điện tử trong gia đình để tăng cường hiệu quả sinh hoạt và bảo vệ gia đình.
Do chủ động lập trình các phần mềm điều khiển đi kèm, nên công ty có thể giảm chi phí bản quyền, cũng như linh hoạt khả năng kết hợp các thiết bị. Kết quả cho thấy các thiết bị đều vận hành ăn khớp trong khi chi phí công nghệ giảm rõ rệt. Nhất là việc tận dụng đường dây điện sẵn có trong nhà làm hệ thống dẫn tín hiệu ở nhiều bộ phận thiết bị đã hạ giá thành công nghệ xuống nhiều lần so với giải pháp cơ bản X10.
Cùng với gói giải pháp tối thiểu, anh Chín cũng đưa ra 2 gói giải pháp khác là gói giải pháp bán chuyên nghiệp và gói giải pháp chuyên nghiệp với chi phí cao hơn, nhưng vẫn rẻ hơn rất nhiều so với các giải pháp hiện có trên thị trường.
Hiện Lê Phước Chín cũng đang đưa ra thị trường một sản phẩm khá độc đáo, đó là sản phẩm máy in ảnh trên móng tay, móng chân. Theo anh Chín, chiếc máy này lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam do công ty của anh cung cấp.
Theo (TTXVN, VnExpress)