Trong xã hội hiện nay, tình trạng béo phì được nhắc đến nhiều, thậm chí không ít người khốn khổ với các liệu trình giảm cân. Nhưng đâu đó vẫn có những người muốn tăng dù 1kg thôi cũng là điều mơ ước xa vời. Béo khỏe béo đẹp là mong muốn của bất cứ ai nhưng ăn mãi không tăng cân cũng là điều khổ tâm vô cùng.
Anh Đức (Nhân viên văn phòng) ngao ngán, thở dài vì cân nặng chỉ dừng lại ở mức 57kg từ cách đây 3 năm. Với chiều cao 1m72, anh Đức vẫn bị mọi người đùa như cái sào cao kều đi lại giữa đường. Mặc cảm khi quần áo phải chọn cỡ nhỏ nhất, buồn vì sự gầy còm làm vẻ bên ngoài sa sút thảm hại, anh Đức đã dùng đủ mọi cách để ăn uống nhưng có chăng cũng chỉ tăng được vài ba lạng. Nhưng điều đáng nói là vừa tăng cân chưa kịp mừng thì anh đã bị sút cân do ăn uống không điều độ, mệt mỏi vì công việc hay ốm đau.
Việc tăng cân khó có thể do nguyên nhân của sức khỏe trong cơ thể (Ảnh minh họa)
“Trước đây có thời kỳ tôi nặng chưa đến 50kg, sau đó tăng được lên 53, rồi 55, giờ là 57kg…đúng là bước tiến thần kỳ. Nhưng khi đã chạm ngưỡng 57kg, tôi cố gắng tập luyện và ăn uống điều độ nhưng cân nặng không thể vượt hơn được”, anh Đức than thở.
Cùng chung nỗi niềm nay chị Phúc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nặng chưa đến 40kg. Khi còn bé chị thuộc hàng tăng cân nhanh so với mấy đứa trẻ trong ngõ nhưng từ khi học xong đại học, các chỉ số cân nặng của chị gần như “dậm chân tại chỗ”. Thấy con cứ mãi gầy gò, mẹ chị Phúc đã cắt nhiều thang thuốc Bắc giúp tăng cân nhưng kết quả không được gì. Ai mách phương pháp tăng cân nào chị Phúc cũng làm theo, chi tiền mua đủ loại thuốc bổ kể cả ngoại nhập nhưng mọi thứ vẫn giữ nguyên như vậy.
“Người thì muốn giảm cân còn tôi muốn tăng cân mà khó ngang lên trời. Từ ăn đồ ăn, uống thuốc bổ, uống sữa, ngủ đúng giờ… tất cả đã làm mà không hiệu quả. Cứ gầy mãi thế này, tôi rất ngại khi mặc váy hay quần áo đẹp”, chị Phúc nói.
Nguyên nhân khó tăng cân
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ dinh dưỡng Lê Nga cho biết, việc không tăng cân của cơ thể cũng do những nguyên nhân sâu xa về sức khỏe. “Nhiều người cứ nói rằng do tạng người không hấp thu nhưng đó chỉ là võ đoán. Muốn biết được chính xác phải khám dinh dưỡng”, bác sĩ Nga khuyên.
Nếu vấn đề ở tiêu hóa như bệnh dạ dày, đại tràng, đường ruột…đều làm cho bạn giảm cảm giác ngon miệng hay khả năng tiêu hóa thức ăn giảm xuống. Các cơ quan này hoạt động yếu, thức ăn không được nghiền kỹ để tạo thành chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể.
Ngoài ra, thức khuya quá nhiều, kéo dài cũng ảnh hưởng đến các hệ cơ quan như gan, phổi, tim, thận…Khi thức khuya như vậy, năng lượng tiêu hao sẽ tốn hơn nhiều. Trong khi việc ăn uống không được đảm bảo sẽ càng làm cho cơ thể gầy đi.
Việc ăn uống không đúng giờ, thiếu khoa học như ăn những đồ ngọt, kẹo bánh trước khi ăn cơm… làm cho cơ thể cảm thấy no giả. Khi vào bữa cơm sẽ ăn ít hoặc bỏ bữa… làm cơ thể thiếu dinh dưỡng, thiếu chất để tăng cân.
Để tăng cân thì cơ thể cần nguồn dinh dưỡng lớn, nếu không chú trọng vào món ăn mà chỉ ăn nhiều cơm cũng không có tác dụng. Do đó, nên ăn tổng thể tất cả các chất dinh dưỡng như: đạm, chất béo, tinh bột, vitamin, chất khoáng và các chất chống oxi hoá. Để đảm bảo cho chế độ dinh dưỡng này, người gầy nên ăn rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau trong bữa ăn từ thịt, cá, sữa, rau xanh, hoa quả…
Làm việc với cường độ cao, cơ thể ít vận động… làm cho cơ thể cảm giác kém hoạt bát, mất cảm giác ngon. Lúc đó lượng thức ăn đưa vào cơ thể ít đi, thiếu dinh dưỡng nên cản trở quá trình tăng cân.
Thanh Thủy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.