Nhân ngày Môi trường thế giới 5-6: “Sát thủ” túi nylon

Đối với thế giới ngày nay, túi nylon đã, đang và sẽ là một vấn nạn môi trường nghiêm trọng do chính con người gây ra.

Túi nylon thường được làm từ polietilen. Mỏng nhẹ, trong mờ và chi phí sản xuất thấp, rẻ đến mức gần như cho không; cứ thế, túi nylon có mặt ở khắp nơi. Thế nhưng con người ngày càng phản ứng mạnh mẽ đối với sự tồn tại của chất thải túi nhựa.

Quyết liệt tuyên chiến

Tại Ấn Độ và Bangladesh, túi nylon bị cấm ở một số TP sau vụ nghẹt ống thoát nước mưa dẫn đến cơn lũ chết người. Túi nylon cũng là mối hiểm họa đầy chết chóc đối với rùa biển và các loài cá do những loài này nhầm chúng với loài sứa.

Trong thập niên qua, nhiều nước ban hành lệnh cấm và các luật thuế nhằm giảm hoặc loại bỏ thói quen tiêu thụ túi nylon nhưng chắc chắn ngành công nghiệp nhựa vẫn tiếp tục thách thức các biện pháp này. Achim Steiner – người đứng đầu Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc nói: “Chẳng có lý do gì để sản xuất một cái túi nylon nào nữa, ở bất kỳ đâu”. Vì vậy năm 2010, mặc dù quy định thuế đối với túi nylon suýt bị thất bại ở bang California, các TP Long Beach, San Francisco và Carmel đều cấm hành vi vứt túi nylon ra bãi biển.

Cấm sử dụng và thu thuế đối với túi nylon là một chủ đề nóng trên toàn nước Mỹ với nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh việc có nên ban hành những quy định trên hay không. Mặc dù các biện pháp đó được phổ biến cao nhất ở cấp độ địa phương nhưng một số bang đã nỗ lực cấm sử dụng túi nylon, đáng chú ý nhất là thủ đô Washington và bang Oregon.


Sử dụng túi nhựa trở nên quá phổ biến. Ảnh:
gettyimages.com

Tại thủ đô Washington, quy định thuế đối với túi nylon có hiệu lực từ năm 2010, với mức 5 cent (1% đôla) đối với người mua túi đựng đồ bằng nhựa và giấy. Theo ước tính của chính quyền, trước khi quy định thuế ra đời, 600.000 dân của TP sử dụng 22,5 triệu túi nylon/tháng. Từ khi chính quyền thu thuế, con số đó giảm xuống mức 4,6 triệu túi/tháng. Sự sụt giảm 80% túi nylon nói trên cũng mang lại cho ngân sách TP 2,75 triệu USD. Số tiền đó được sử dụng vào việc làm sạch sông ngòi.

Ireland cũng có cách làm tương tự. Tại đây, chính quyền bắt đầu thu của người tiêu dùng 0,15 euro (khoảng 20 cent) mỗi túi từ tháng 3-2002 và dùng số tiền thu được hỗ trợ cho một quỹ đặc biệt về môi trường. Biện pháp trên đưa lại hiệu quả rõ ràng ngay lập tức. Nhà chức trách Ireland ước tính việc đánh thuế túi đựng hàng đã góp phần làm giảm nhu cầu sử dụng xuống khoảng 1 tỉ túi mỗi năm.

Tháng 1-2011, Ý cấm hoàn toàn loại túi mua hàng bằng nhựa chỉ sử dụng một lần. Quốc gia này có số lượng người sử dụng túi nylon nhiều nhất châu Âu. Thế là chỉ mấy tháng sau, túi nhựa hầu như biến mất khỏi các cửa hàng cũng như đường phố ở Ý. Thay vào đó, người mua hàng mang túi riêng của mình hoặc sử dụng túi được làm từ bắp có thể tái chế.

Một phút xao lòng

Tuy nhiên, ngành công nghiệp nhựa cho rằng lệnh cấm và các loại thuế là phản tác dụng. Họ lập luận rằng thay vì cấm và đánh thuế, các chương trình tái chế mở rộng chẳng hạn đặt các thùng rác bên ngoài các siêu thị để nhận túi nhựa, các loại bao bì bằng nhựa khác… là cách đối phó tốt hơn đối với vấn đề chất thải nhựa. Theo lập luận này, việc cấm sử dụng túi nhựa sẽ ngăn cản các siêu thị trong việc lắp đặt các điểm thu thập nhựa, làm chậm khâu tái chế không chỉ đối với túi nhựa mà còn với các mặt hàng chất dẻo khác.

Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng túi nhựa thực sự có thể gây ra một lượng khí thải carbon thấp hơn so với giấy. Thậm chí các loại túi tái sử dụng cũng bị soi mói. Đầu năm 2011, tờ The Independent tại London dẫn ra một nghiên cứu chưa công bố chính thức của các cơ quan môi trường ở Anh, có nội dung nêu rằng túi được làm từ bông có thể gây ra một tác động carbon cao hơn mức người ta vẫn nghĩ. Đồng thời, những lợi ích của túi tái sử dụng phụ thuộc vào cách người tiêu dùng thường xuyên sử dụng trước khi bỏ chúng.


Thế giới trở nên hẹp vì rác nylon. Ảnh: lastdaysrevelations.com

Ông Keith Christman, Giám đốc điều hành thị trường nhựa của Hội đồng Hóa học Mỹ, còn cho rằng mặc dù túi nylon có mặt ở khắp nơi nhưng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong rác thải. Tại Mỹ, chúng chỉ chiếm 0,5% trong số những thứ người ta vứt đi mỗi ngày.

Chiến dịch bài chất dẻo của cậu bé chín tuổi

Đó là cậu bé Milo Cress, hiện sống ở thị trấn Burlington, bang Vermont. Milo quan tâm đến vấn đề môi trường từ khi còn rất nhỏ và thích suy nghĩ về sáng tạo. Năm sáu tuổi, em đã thiết kế một máy rang bắp chạy bằng năng lượng mặt trời. Cậu học sinh lớp 4 này đang thuyết phục chủ các nhà hàng không đưa sẵn ống hút trong các thức uống cho khách mà phải hỏi khách có cần dùng ống hút không.

Đầu năm 2011, với sự giúp đỡ của mẹ, Milo ra mắt một trang web và mở đầu chiến dịch “hỏi trước khi bán” sau khi đọc được rằng tại Mỹ có khoảng 500 triệu ống hút được dùng một lần mỗi ngày. “Khi cháu đọc điều đó, cháu nghĩ cháu có thể tạo sự khác biệt và những trẻ em khác có thể tạo sự khác biệt. Bất cứ ai khi mua một thứ thức uống cũng có thể nói không với ống hút” – Milo nói.

Trang web của Milo có tên BeStrawFree.org, kêu gọi các nhà hàng đồng ý và cam kết cho khách hàng tự lựa chọn hành động lấy ống hút hay không.

Không những các nhà hàng ở bang Vermont quê hương Milo, các nhà hàng ở các bang khác như Colorado, Illinois và Maine cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi. Với sự quảng bá ngày càng sâu rộng, bạn bè quốc tế cũng quan tâm đến chiến dịch trên. Nhiều cá nhân ở một số nước đã ký tên tham gia phong trào.

Các chính trị gia đang ra sức tán dương chiến dịch nói không với ống hút. Ông Bob Kiss, Thị trưởng TP Burlington, thừa nhận tính thực tiễn tiên phong của chiến dịch trong phạm vi TP. Đoàn nghị sĩ bang Vermont cũng có thiện cảm với phong trào do Milo khởi xướng. Các nhà lập pháp biểu dương chương trình hành động của Milo và đã mời cậu bé đến thăm Văn phòng Quốc hội Mỹ khi họ biết hai mẹ con Milo đang có mặt tại thủ đô Washington.

Thật thú vị khi nhận được sự ủng hộ đối với chiến dịch, gia đình cậu bé nói. Tuy nhiên, Milo và mẹ nhấn mạnh rằng vấn đề quan trọng ở đây là sự tự nguyện và họ không ủng hộ việc ban hành lệnh cấm dùng ống hút trong các nhà hàng.

Ngoài tư duy sáng tạo, Milo còn là một cậu bé biết hành động thực tiễn. Em nhấn mạnh rằng bằng cách áp dụng chính sách “hỏi trước khi bán hàng”, nhà hàng không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm được một khoản tiền.

Chính quyền bang California chi 25 triệu USD/năm để giải quyết ô nhiễm do rác túi nylon gây ra.

Gần 4 tỉ túi nhựa vẫn còn được sản xuất và sử dụng ở Úc mỗi năm. Được biết, 80% rác được tìm thấy trong các vùng biển của Úc đến từ đất liền. Chính thái độ cẩu thả về môi trường đã cho phép tình trạng này kéo dài. Bên cạnh đó, chế tài của các giải pháp đối với túi nhựa (cấm sử dụng) cũng còn đơn giản.

(Báo cáo Rác ở biển: Thách thức toàn cầu của tổ chức Vệ sinh môi trường Úc)

 

Theo Báo Pháp Luật