Nhận thấy khả năng tránh giao phối cận huyết ở loài chim

Nhận thấy khả năng tránh giao phối cận huyết ở loài chim

Con người luôn ý thức về việc tránh giao phối cận huyết. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở một số loài động vật như chuột, thằn lằn đất hay chim shorebird. Trên tạp chí BMC Evolutionary Biology, các nhà nghiên cứu cho đăng một báo cáo, trong đó chỉ ra rằng hiện tượng này cũng xảy ra ở những con chim sống cặp theo kiểu “một vợ, một chồng”. Người ta đang dự đoán rằng mòng biển xitra chân đen sở hữu khả năng chọn bạn giao phối có bộ gen khác bộ gen của mình.

Nghiên cứu này được tiến hành với sự tham gia của Richard H. Wagner đến từ Viện Konrad Lorenz thuộc Học viện khoa học Australia, Etienne Danchin từ Đại học Paul Sabatier và các nhà nghiên cứu của trường Đại học Pierre và Marie Curie, Trung tâm khoa học Alaska, Đại học Bern. Các nhà nghiên cứu kiểm nghiệm 10 chỉ dấu di truyền, vị trí của các microsatellite (còn gọi là tiểu vệ tinh) để tìm hiểu xem liệu loài mòng biển xitra tránh giao phối cận huyết bằng việc chỉ giao phối với những con có bộ gen khác hay việc giao phối cận huyết làm giảm số lượng con con được nuôi lớn.

Nhận thấy khả năng tránh giao phối cận huyết ở loài chim
Hai con mòng biển xitra chân đen (Rissa tridactyla) trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ. Ảnh chụp ở đảo Farne, Anh. (Nguồn: iStockphoto/Liz Leyden)

Hầu hết các cặp đôi tránh việc giao phối cận huyết. Việc này không chỉ đơn thuần là ngẫu nhiên. Vì thế, có lẽ loài mòng biển xitra có khả năng phân biệt họ hàng của chúng trong cả một quần thể đông đúc. Số ít những đôi có quan hệ cận huyết thường đẻ ra những quả trứng có khả năng nở thấp, và con con nếu nở ra cũng có tỉ lệ sống rất thấp. Theo một tác giả của nghiên cứu này, ông Hervé Mulard, “giao phối cận huyết sẽ hủy hoại những quần thể này.”

Kể từ con non thứ hai, chúng bị ảnh hưởng rất nặng bởi hiện tượng cận huyết này. Sức chống chọi bệnh truyền nhiễm và kí sinh trùng rất thấp. Hơn thế, chúng bị bố mẹ xao nhãng và phát triển chậm chạp, cơ may sống sót thấp hơn so với con non đầu tiên.

Những nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những con chim đực giao phối với nhiều con cái thường tìm kiếm bạn tình có kiểu gen xa nhằm đảm bảo thế hệ con sẽ có bộ gen khoẻ mạnh và tốt hơn. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng đầu tiên về việc tránh giao phối cận huyết được thực hiện rất chặt chẽ ở cặp đôi chỉ “một vợ, một chồng”. Ở những cặp này, cả con bố và con mẹ đều tham gia vào nuôi dưỡng con con. Chúng hầu như không bao giờ tách rời nhau.

Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu liệu chim có khả năng nhận biết kiểu gen qua mùi cơ thể hay không. Mulard kết luận “Khả năng này có thể phục vụ đắc lực cho những loài sống theo nguyên tắc “một vợ – một chồng”. Có lẽ, chúng đã phải rất nỗ lực để lựa chọn được bạn giao phối có kiểu gen khác biệt.”

Tài liệu:

Hervé Mulard, Etienne Danchin, Sandra L Talbot, Andrew M Ramey, Scott A Hatch, Joël F White, Fabrice Helfenstein and Richard H Wagner. Evidence that pairing with genetically similar mates is maladaptive in a monogamous bird. BMC Evolutionary Biology, 2009;

 

Theo G2V Star (ScienceDaily)