Nhân viên công sở quá mệt mỏi vì phải chiều lòng… “sếp bà”

Nhân viên công sở quá mệt mỏi vì phải chiều lòng… “sếp bà”

Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, lao động dư thừa, khó khăn lắm, tôi mới có được công việc tạm cho là ổn định ở một cơ quan Nhà nước. Dù lương không cao so với kì vọng của tôi nhưng với tính cách hiền lành và ngại va chạm nên tôi cũng tạm hài lòng với lựa chọn của mình. Bố mẹ tôi bảo: “Là con gái cũng chẳng cần công việc kiếm ra lắm tiền, nhiều của, chỉ cần công việc ổn định, nhàn nhã để kiếm tấm chồng là được con ạ!”. Tôi thấy bố mẹ nói cũng có lý nên hết lòng chuyên tâm với công việc.

Tôi được giao làm việc hành chính dưới quyền của sếp nữ, vừa ngoài 40 tuổi. Công việc của cơ quan cũng chẳng nhiều nhưng suốt một thời gian dài, tôi vẫn chưa thể nào quen với phong cách làm việc của mọi người. Sáng nào cũng vậy, chị em trong ban túm năm tụm ba soi gương, cuốn tóc rồi bình luận trang phục của từng người. Từ chuyện màu son nào đang “hot” đến chuyện cửa hàng thời trang nào đang “sale off”, ngoảnh đi ngoảnh lại là đến giờ ăn trưa trong khi công việc thì ngồn ngộn mà không có ai buồn động tay làm. Luôn hào hứng nhất trong những câu chuyện làm đẹp là sếp tôi. Vừa thấy mặt nhân viên, chị õng ẹo đứng lên lượn vài vòng trước gương rồi xuýt xoa không ngớt: “Em thấy cái váy này có đẹp không?”, “Cuốn tóc vào hộ chị với!”… Hôm nào tôi có chiếc váy, áo nào mới thì… “khốn khổ” với sếp. Sau một hồi ngắm nghía trước sau, kiểu gì chị cũng: “Mày cởi ra cho chị thử xem có đẹp không nào?”. Thế là phòng làm việc chẳng khác nào cửa hàng thời trang với những lời bình luận không ngớt, những câu tâng bốc lên mây… Muốn tập trung vào công việc tôi cũng không thể bởi những câu chuyện ồn ào không liên quan đến chuyên môn làm đầu óc tôi mông lung…

Nhân viên công sở quá mệt mỏi vì phải chiều lòng… “sếp bà”

Nói thì bảo kể xấu nhưng thật sự cả phòng tôi mệt mỏi với những thói quen… kì lạ của sếp. Không chỉ thích ngắm vuốt, sếp còn cực kì thích… sai vặt. “Hôm nay chị mệt quá, xuống pha cho chị cốc nước cam với nhé!”, “Em đang ở đâu thế, ra cửa hàng quần áo đón chị về với, chị không có xe…”… những câu nửa nhờ vả, nửa như ra lệnh ấy, chúng tôi ai cũng thuộc nằm lòng. Dù phòng ăn của cơ quan cách phòng làm việc chưa đầy chục bước chân nhưng chiều ý sếp đã thành mệnh lệnh bất khả thi của đám nhân viên thấp cổ bé họng. Và dù cái cửa hàng thời trang chỉ cách cơ quan có 15 nghìn tiền taxi thì rút được nó ra khỏi ví của sếp cũng là điều không tưởng. Lần nào cũng vậy, dù vô cùng ấm ức trong lòng, lũ nhân viên như tôi cũng cố nén tiếng thở dài để chiều theo ý sếp. Nhưng dường như đó cũng chả là gì so với việc sếp điều nhân viên cách cả chục cây số đi…“đón con hộ chị”.

Nhìn nhân viên phòng khác có sếp nam lúc nào cũng nhàn hạ, nhẹ tênh, chuyên tâm vào công việc mà tôi thấy tủi thân… muốn trào nước mắt. Vừa phải tất bật với việc chuyên môn, lúc nào chúng tôi cũng trong tình trạng trực chiến để làm đủ thứ việc lặt vặt mà sếp nghĩ ra không khác gì chăm con mọn. Có lần, cô bạn đồng nghiệp cùng phòng vì quá ức chế mà “bật” sếp, y rằng những ngày về sau là chuỗi ác mộng. Không những không được giao việc, lúc nào “sếp bà” cũng nhìn cô ấy với ánh mắt hằm hè, cuối năm đánh giá chất lượng kiểu gì cũng bị nhận xét vài câu… chẳng ra sao. Nghe mọi người truyền tai nhau, trước đó, có chị còn phải xin nghỉ việc vì không chiều được ý sếp. Chúng tôi xem đó như những tấm gương tày liếp để cố gắng “ngoan”. Dù trong lòng không mấy thoải mái nhưng vẫn phải chiều theo ý muốn oái oăm của sếp.

Đã nhiều lần tôi nghĩ đến việc chuyển công tác nhưng để kiếm được việc làm ổn định đâu có dễ? Bạn bè khuyên tôi: “Gặp phải sếp nữ là đen rồi! Mà nói thật ở cơ quan, công sở nào cũng vậy thôi. Biết lựa thời thế, khôn khéo thì mới tồn tại được”. Còn tôi, tôi chỉ mong sếp hiểu được nỗi lòng của đám nhân viên như chúng tôi để bớt… yêu sách hơn, để mỗi ngày đến cơ quan của chúng tôi giảm đi những áp lực nặng nề.

Minh Ngọc

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.