Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tái chế 13 kim loại đất hiếm cần thiết để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ các thiết bị điện tử như điện thoại di động và các máy trò chơi điện tử.
Nhật Bản sẽ tái chế 13 kim loại đất hiếm. (Nguồn: Internet)
Đây là một trong các nỗ lực của Nhật Bản nhằm đảm bảo nguồn cung kim loại này. Trong số 13 kim loại đất hiếm trên có lithium, indium, manganese và platinum.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ quy định bắt buộc tái chế kim loại đất hiếm từ các sản phẩm điện tử cỡ nhỏ. Khoảng từ 10-20 loại thiết bị điện tử có thể sẽ được đưa vào trong danh sách các sản phẩm phải tái chế, gồm máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim, đầu DVD và lò vi sóng.
Cho đến nay, các công nghệ để chiết xuất đất hiếm từ các đồ gia dụng đã qua sử dụng vẫn chưa hoàn thiện nên các dự án tái chế kim loại đất hiếm vẫn không có tính khả thi cao về mặt kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản dự định tài trợ cho việc phát triển các công nghệ tái chế loại kim loại này nếu cần thiết.
Nhật Bản đã ban hành các văn bản pháp luật về việc bắt buộc tái chế các sản phẩm gia dụng cỡ lớn như điều hòa, tủ lạnh, tivi và ôtô. Tuy nhiên, nước này vẫn chưa có các quy định bắt buộc tái chế điện thoại di động và một số thiết bị điện tử khác có chứa một khối lượng tương đối lớn kim loại đất hiếm.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ sớm kết thúc các cuộc thương lượng với các địa phương (nơi có thẩm quyền xử lý việc thu gom rác), cũng như các doanh nghiệp tái chế rác thải, các doanh nghiệp bán lẻ đồ điện tử và một số đối tượng liên quan khác về vấn đề này.
Trong những năm gần đây, nhu cầu kim loại đất hiếm trên thế giới đang tăng nhanh do doanh số bán các ôtô điện và các sản phẩm điện tử thân thiện với môi trường khác đang tăng. Đến năm 2020, nhu cầu lithium có thể sẽ tăng 203 lần, trong khi nhu cầu manganese sẽ tăng 161 lần so với hiện nay.
Nhật Bản đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung kim loại đất hiếm để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, nước xuất khẩu kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới và hiện đang cung cấp tới 97% nhu cầu kim loại đất hiếm của Nhật Bản.
Theo Vietnam+