Dưới bầu trời mùa đông ảm đạm, một chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản ngày ngày nhẫn nại rẽ nước tìm đường trên bờ biển đầy những mảnh vỡ và rác do sóng thần để lại.
>>> Quả cầu bay hỗ trợ công tác cứu nạn
Bởi vì dưới làn nước xám lạnh khắc nghiệt kia có hàng trăm, có thể là hàng nghìn thi thể người chưa được tìm thấy. Họ đã thiệt mạng trong cơn cuồng nộ khủng khiếp nhất của thiên nhiên xảy ra ở Nhật Bản hôm 11/3 năm ngoái.
Những cuộc tìm kiếm vẫn hàng ngày diễn ra trên bờ biển của thành phố Oshinomaki, tỉnh Miyagy, một trong ba tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất trong trận sóng thần. Dẫu vậy, kể từ tháng 11, các lính tuần duyên chưa tìm thấy một nạn nhân nào, ngoài phần cơ thể của một nạn nhân xấu số mắc vào lưới đánh cá, ông Yoshifumi Suzuki, thành viên đội tìm kiếm, cho biết.
Nhưng họ không từ bỏ nhiệm vụ.
“Nếu chúng tôi không làm, thì ai làm?”, Suzuki nói.
Việc tìm kiếm nạn nhân sóng thần vẫn tiếp tục.
“Chúng tôi muốn tiếp tục công việc này cho tới khi tìm được người cuối cùng. Tôi muốn đưa những người ấy trở về với gia đình họ. Đó không chỉ là trách nhiệm viên chức của tôi, mà là nghĩa vụ của tôi với tư cách một con người”.
“Những người mất tích luôn ở trong lòng những người thân của anh/chị ta, và gia đình họ muốn có một bằng chứng cho thấy họ từng sống trên thế giới này. Tôi nghĩ họ thật khó mà chấp nhận được sự thật” nếu chưa tìm thấy thi thể thân nhân.
Cơn sóng thần khủng khiếp ập vào đông bắc Nhật Bản sau trận động đất ngày 11/3 khiến khaongr 20.000 người mất mạng. Cứ trong 6 người chết có một người không bao giờ được tìm thấy.
Tại thành phố cảng Ishinomaki và thị trấn Onagawa lân cận, cả hai nơi đều bị sóng thần đập phá tan tành, có tới 20% số người chết vẫn được kiệt kê vào danh sách mất tích, cho dù không ai còn dám tin rằng họ vẫn đang sống đâu đó.
“Nếu nước biển trong hơn, biết đâu chúng tôi có thể tìm thấy người. Thật khó”, Suzuki nói trên còn tàu Shimakaze trọng tải 26 tấn.
Tuyết thi thoảng lại làm khó thêm cho công việc của thủy thủ đoàn 5 người trên con tàu khi họ đã phải cố căng mắt quan sát qua làn sương là là mặt biển. Họ cũng sử dụng các thiết bị sonar để phát hiện các ô tô bị nhấn chìm hoặc những rác rưởi khác có thể đang giam hãm các thi thể nạn nhân. Nếu thấy vật thể nào có thể là người, họ sẽ gọi ngay các thợ lặn tới. Nhưng tầm nhìn kém, chỉ độ một mét ở dưới nước, cùng với thời tiết giá lạnh khiến các thợ lặn chỉ có thể ở trong nước vài phút.
Yoshiyuki Kikuchi, thuyền trưởng tàu Shimakaze, vẫn nhớ như in nỗi kinh hoàng mà sóng thần mang đến, và cả những ngày đầu tiên anh bắt tay vào việc tìm kiếm di hài của những nạn nhân.
Khi nghe thấy cảnh báo sóng thần, Kikuchi lái tàu ra biển để bảo vệ tàu, bởi sóng ở phía xa bờ thì nhỏ hơn và dễ lèo lái con tàu hơn. Anh đã chứng kiến một bức tường nước khổng lồ cách xa chỗ anh chừng 10km.
“Đó là con sóng lớn nhất tôi từng thấy trên đời”, anh kể. “Rồi sau đó tôi thấy rác từ bờ trôi ra – đủ thứ, từ những ngôi nhà bị phá tan, lốp xe ô tô cho đến cả những công ten nơ chở hàng – cảnh tượng thật hãi hùng”.
Đường trở vào bờ của anh bị chặn bởi khối vật chất khổng lồ từ bờ trôi ra. Phải đến ba ngày sau Kikuchi mới trở lại đất liền và bắt đầu công việc tìm kiếm những người đã chết. Anh đã làm công việc này nhiều tháng qua, và việc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn. “Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình”, Kikuchi nói.
Trên đất liền, tại Kesennuma, thành phố đã bị hủy hoại toàn bộ bởi sóng thần và những vụ cháy sau đó, không một ai được tìm thấy kể từ tháng 12, dù lực lượng cảnh sát vẫn tiếp tục công việc.
Với những ông bố bà mẹ trẻ có con từng học ở trường tiểu học Okawa, tấn bi kịch sẽ chỉ có hồi kết khi thi thể của 74 đứa trẻ được trở về với họ. Ẩn mình trong lớp áo dày chống chọi cái rét cắt da của tháng giêng, bốn người đàn ông nhẫn nại đào bới trong lớp bùn đất, kiên trì tiếp tục cuộc tìm kiếm đau buồn mong thấy những gì còn sót lại của lũ trẻ.
“Vẫn chưa thấy bọn trẻ. Chúng tôi ở đây tìm kiếm để các cháu bé được sớm về nhà”, một trong số những người đàn ông nói. Gần họ, hai cảnh sát tăng cường từ Tokyo đang khấn trước bàn thờ tưởng nhớ 74 học sinh và 10 giáo viên và cán bộ của trường thiệt mạng hôm 11/3 năm ngoái.
“Tôi rất buồn”, một cảnh sát viên nói. “Tôi đã chứng kiến những ông bố bà mẹ vô vọng tìm kiếm con, thậm chí một người mẹ còn cố thi lấy bằng điều khiển thiết bị cơ giới để đi tìm con mất tích.
“Tôi nghĩ nỗi đau sẽ không bao giờ nguôi trong tim họ… nhưng tôi hy vọng những người mất tích sẽ sớm được về nhà”.
Theo Vnexpress