Mẹ biết không, những tháng cuối của thai kì là lúc em bé trong bụng lớn nhanh như thổi vậy, thời gian này mẹ cũng sẽ tăng cân khá nhiều đấy, vì thế hãy để ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều hơn. Hãy ăn uống sao cho đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng nhưng nạp vừa đủ năng lượng thôi, mẹ cũng nên vận động, tập luyện nhẹ nhàng để tránh tăng cân quá mức nhé vì điều này sẽ không tốt cho cả 2 mẹ con.
Mang thai tháng thứ 8: Những vấn đề mẹ phải đối mặt
Thường xuyên “ẩm ướt”
Đến tháng này, em bé đã quay đầu xuống dưới và tạo áp lực lên bàng quang khiến cho mẹ suốt ngày muốn đi tiểu. Hơn nữa, các bà bầu phải uống nhiều nước hơn nên gần như lúc nào cũng cảm thấy rất “căng”, và chỉ cần mẹ thay đổi tư thế, hắt hơi, ho, cười to một chút cũng khiến sự “rò rỉ” xảy ra. Đó là lý do mẹ thấy mình luôn luôn bị “ẩm ướt”. Thậm chí giấc ngủ của mẹ cũng bị ảnh hưởng nhiều do thường xuyên phải dậy đi vệ sinh.
Táo bón
Vấn đề khó chịu này vẫn chưa “buông tha” mẹ bầu đâu, thế nên hãy thường xuyên bổ sung thêm rau củ giàu chất xơ, uống nhiều nước để giảm triệu chứng đáng ghét này nhé!
Ngứa rát
Em bé tháng này đã lớn tương đương 1 trái dừa rồi, nên mẹ có thể nhận thấy bụng mình to hơn hẳn so với tháng trước. Những vết rạn cũng “lớn” lên theo, đó là lý do mẹ cảm thấy vùng bụng, đùi,… của mình luôn luôn ngứa ngáy và rát rất khó chịu. Thậm chí nhiều mẹ còn phát khóc vì tình trạng “khổ sở” này.
Mang thai tháng thứ 8 mẹ bầu sẽ bị dạn nứt da nhiều hơn
Mách nhỏ cho mẹ là hãy mát-xa nhẹ nhàng với kem chống rạn an toàn cho bà bầu hay dầu dừa, hoặc tắm bằng bột yến mạch để da bớt ngứa rát hơn. Đây cũng là thời điểm các ông bố có cơ hội thể hiện sự quan tâm, chăm sóc vợ con một cách rất ngọt ngào bằng những việc nho nhỏ như mát-xa bụng giúp mẹ bầu. Tuy nhiên, hãy nhớ mát-xa thật nhẹ nhàng để tránh mọi sự kích thích gây co bóp tử cung, dẫn đến nguy cơ sinh non không mong muốn.
Những cơn đau
Những cơn co thắt thường xuyên, những cú đạp của em bé cũng sẽ khiến mẹ đau nhói. Thời gian này mẹ sẽ thấy em bé hiếu động hơn, đạp bụng mẹ rất nhiều và mạnh đến mức có thể thấy hình bàn chân của bé trên bụng đấy! Điều này chứng tỏ cục cưng của bạn đang rất khỏe mạnh.
Khó thở
Những tháng cuối này, bụng của mẹ to lên rất nhiều nên cả những cử động đơn giản nhất như đi lại, nằm, ngồi,… mẹ cũng thấy khó khăn và rất… chậm chạp. Hơn nữa, do bào thai lớn chèn ép lên cơ hoành và các cơ quan khác khiến cho việc thở của mẹ cũng chẳng dễ dàng gì.
Ngoài ra, mẹ còn gặp vô số các vấn đề khác trong thời gian này như phù nề, mất ngủ, đau tức vùng chậu, ợ nóng,… Nhưng đừng quá căng thẳng, mẹ hãy cố gắng thư giãn, ăn uống lành mạnh, chăm sóc cơ thể và đặc biệt là hãy bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sinh nở của mình đi thôi. Kiểm tra xem đã mua đủ đồ cho bé yêu chưa, giặt sạch và gấp gọn mọi thứ, tìm hiểu, lựa chọn bác sĩ, nơi sinh con phù hợp,… Ngoài ra, hãy cùng ông xã cảm nhận con yêu đang lớn lên từng ngày qua những cú đạp của bé. Lúc này bé cũng đã có thể cảm nhận giọng nói của cả bố và mẹ rồi đấy, nên hãy thường xuyên trò chuyện với con để tạo mối liên kết sớm.
Mang thai tháng thú 8: Sự phát triển của thai nhi
Gan và thận phát triển toàn diện
Các cơ quan của bé đang gấp rút hoàn thiện vào những tháng cuối của thai kì để chuẩn bị cho cuộc sống độc lập bên ngoài. Vào tháng thứ 8, gan và thận bé sẽ hoàn thiện và gan đã có thể bắt đầu xử lý một số chất thải của cơ thể.
Tăng cân
Mỗi ngày bé có thể tăng tới 15gr cơ đấy, lúc này chu vi vòng đầu của bé tương đương với vòng bụng.
Hệ miễn dịch và tuần hoàn sẵn sàng hoạt động
Ngoài ra, bé cũng đang học cách tự thở, biết “ị” phân su, da mềm mịn hơn, tóc dài gần 2cm và cơ thể bắt đầu tiết chất gây. Thời điểm này não bộ của bé cũng phát triển nhanh chóng, móng tay móng chân dài hơn.
Quả là có rất nhiều thay đổi xảy ra trong tháng này phải không mẹ? Chắc hẳn mẹ cũng nóng lòng muốn gặp bé lắm rồi. Vậy thì hãy chuẩn bị mọi thứ thật chỉn chu, chăm sóc sức khỏe và ăn uống đúng cách để chào đón bé yêu trong những tuần tới thôi!