Nhật kí của mẹ nuôi con kiểu thực dưỡng

 

Trong loạt bài về “Nuôi con kiểu thực dưỡng” trước đây, chúng ta đã phần nào có cái nhìn tổng quan về phương pháp khá mới mẻ này. Tiếp theo, ChaMeCuaCon.com tiếp tục giới thiệu những chia sẻ của một mẹ cũng đang áp dụng phương pháp này cho con, hi vọng các mẹ có thêm một góc nhìn chi tiết hơn.

 

Ngày…

Trước đây mình luôn nghĩ, cứ ốm thì uống thuốc, cứ có khối u thì lên bàn mổ. Nhưng có lẽ, ai chưa đau ốm, chưa hiểu cảm giác phải sống chung với bệnh tật thì mới thật sự thấm thía tầm quan trọng của việc bảo vệ mình khỏi những nguy cơ…

Bác sĩ đã từ chối động dao kéo vào khối u não của mình và xung quanh động mạch não đã thêm những khối máu tụ màu đen. Họ khuyên mình nên chung sống hòa bình, bởi chính họ cũng không chắc là sau khi phẫu thuật khối u có tiếp tục mọc thêm không. May mắn cho mình là khối u lành tính, nhưng kém may mắn là nó sẽ gây ra rất nhiều rối loạn cho cơ thể, bắt đầu từ sự tuần hoàn máu não. Đến giờ mình mới hiểu, không phải cứ ốm là uống thuốc bởi vì bệnh nào cũng có quá trình. Thuốc chỉ khiến người ta đỡ đau đớn thôi, còn sự nặng nề, u uất, những tác hại dây dưa của bệnh tật đối với cuộc sống, công việc, tinh thần… thì không một ông bác sĩ nào kê đơn hết được…

Một người bạn hướng dẫn mình tìm hiểu về thực dưỡng, khuyên mình chuyển dần sang chế độ ăn chay. Mình chưa từng nghĩ đến điều này. Trước đây mình luôn thấy khó hiểu với những người từ chối các món ăn từ thịt. Thịt là niềm yêu thích trong bữa ăn của cả gia đình mình

Nhưng quả thực, từ khi điều chỉnh lại chế độ ăn, chuyển dần sang ăn chay và dùng gạo lứt thay gạo trắng, sức khỏe của mình đã tiến bộ dần lên…

Ngày…

Con gái nghiện sữa bò, mỗi ngày con uống gần 1 lít. Ngày trước mình nghĩ như vậy là tốt lắm, uống nhiều sữa sẽ thông minh lắm. Giờ, qua những ngày ăn chay, hiểu hơn về cơ chế và nguồn dinh dưỡng từ thực vật, lại hiểu được mặt trái của công nghệ quảng cáo khi nó thổi phồng quá mức lợi ích của sữa bò và thói quen đặt đồng tiền lên trên hết của nhiều doanh nghiệp, nhiều hộ gia đình nuôi bò vắt sữa, hiểu những nguy cơ về nội tiết của con khi tiêu thụ sữa bò, thì mình thấy sợ. Sữa tươi thường không đảm bảo vệ sinh, và loại sữa nước trong chai thực ra là sữa bột hoàn nguyên, đã đã qua xử lý với rất nhiều hóa chất. Chưa kể tỉ lệ sữa trong mỗi chai “sữa” ấy thật ra rất thấp, chúng chỉ toàn nước, hương liệu và đường. Những con bò cái bị kích thích quá mức khi buộc phải cho sữa quanh năm sẽ có những biến thái trong nội tiết và hệ thần kinh, đầu vú của bò cũng là một ổ bệnh và ổ vi khuẩn lớn.

Nhiều người mẹ trong hội nuôi con bằng sữa mẹ đã có phần ứng xử thái quá và bị không ít người “anti”. Nhưng có một sự thật họ đã nêu ra mà chúng ta không thể không thừa nhận, đó là việc sữa động vật chỉ tốt nhất cho động vật, nó phù hợp với thông tin trong não bộ động vật, phù hợp với kích thước cơ thể và hệ nội tiết, cơ xương động vật. Sữa động vật không dành cho con người. Trẻ em ngoài độ tuổi dùng sữa mẹ thì cũng không nên sử dụng sữa bò. Nói ra, nhiều người lại bảo mình không bình thường này nọ, khi tất cả mọi người đều như thế mà sao mình cứ phải nghĩ theo kiểu khác…

Ngày…

Từ ngày chuyển sang sữa thảo mộc, con mình có vẻ tỏ thái độ. Nó lằng nhằng không uống. Rồi chấp nhận nhịn cơm chứ không ăn cơm rau, thậm chí nhịn đói và đi ngủ. Đi chơi, nó “gạ gẫm” mình mua xúc xích và bim bim (con mình mà gặp 2 món này thì đúng như trời hạn mong mưa). Nhưng mình kiên quyết nói “không”, và con khóc lóc, phụng phịu rất lâu, đi chơi chẳng còn gì vui nữa. Mình thấy mình có lỗi với con nhiều lắm, chính mình đã không cảnh giác, để con rơi vào thói quen ăn uống xấu này. Tuần nào con cũng bị táo bón. Nhìn con vừa ngồi bô vừa khóc mà mình ân hận. Nếu tất cả cứ kéo dài thế này, cơ thể con sẽ tích trữ biết bao nhiêu chất độc. Đâu phải chỉ là chuyện khó khăn khi đi vệ sinh đâu, vì đó chỉ là biểu hiện bề ngoài. Để đến cảm giác đau đớn ấy khi đi vệ sinh, còn là sự báo động của máu, của não, của tim mạch và hàng ngàn điều khác đi kèm.

Đâu phải tự nhiên mà cả một nền y học phương Đông phải quan tâm đến sự cân bằng âm dương, và người ở xứ nóng cần chú trọng đến rau, quả để bù nước cũng như cân bằng môi trường trong và ngoài cơ thể. Các nước phương Đông không có truyền thống uống sữa động vật, trừ sữa mẹ, vì sữa có nhiều chất béo, sữa hiện đại lại pha thêm đường tinh luyện, gây ra tính axit quá cao trong máu, cộng thêm khí hậu nóng sẽ mất cân bằng. Phương Tây đã thu được nguồn doanh thu lớn từ sữa công thức và sữa bò. Nhưng phương Tây cũng là tấm gương điển hình cho việc thất bại khi đối phó với những căn bệnh kỳ quái, không có trong lịch sử loài người.

Ai đó bảo mình, rằng con người hiện đại đã đi quá xa cái thời ăn lông ở lỗ, đừng đem mấy thứ triết lý giản đơn ấy mà phán xét cuộc đời hiện đại. Mình im lặng, mình không định tranh luận gì với họ. Con vượn đã trở thành con người nhờ ngũ cốc nguyên cám và cỏ cây. Về sau có bổ sung thịt động vật, nhưng đó không phải là loại động vật được chăn nuôi trang trại với quá nhiều hóa chất chăn nuôi. Và thịt động vật, các chất béo cũng không chiếm tỉ lệ quá cao như bữa ăn bây giờ. Chúng ta đang thụt lùi về sức khỏe nhưng luôn tự tin vào những thành tựu y học “cải tạo tự nhiên” .

Ngày…

Con gái ăn hết 1 bát bún lứt nấu phổ tai. Hôm qua thì ăn yến mạch và rong biển. Tuần trước đã biết nhai gạo lứt muối mè. Tín hiệu đáng mừng là con đã không còn táo bón. Những bữa cơm với thịt của con đã giảm dần mức độ của thịt và chất béo. Mình cũng coi như đây là tín hiệu đáng mừng.

Ngày…

Mẹ muốn nói với con về ngành thực dưỡng. Dù sau này con quyết định không ăn chay, mẹ vẫn ủng hộ con hoàn toàn. Nhưng mẹ coi đó là kỷ niệm của mẹ con mình hôm nay, để có thêm một phần kiến thức, để sau này con hiểu, người ta không phải chỉ dùng có thịt để cung cấp protein, và thịt động vật là thành phần dinh dưỡng hoàn toàn có thể thay thế được bằng các chế phẩm từ thực vật. Để con hiểu sự phong phú và tốt lành của gạo với cây trồng. Để con có thêm lựa chọn cho mình. Để con giảm bớt áp lực kinh tế và biết cách sắp xếp cuộc sống phù hợp hơn, cho những bữa cơm không có thịt. Để con tin rằng tình yêu thương của con người có thể tồn tại ở vô vàn những hình thức khác nhau. Bao gồm cả việc mời nhau một bữa cơm rau! Đó là nơi mà những món ăn được cảm nhận bằng hương vị nguyên sơ nhất, không nêm nếm gì ngoài muối hoặc nước tương lên men rất tự nhiên. Những món ăn không đường, không mì chính, không hạt nêm, vậy mà nhai thật kỹ, nuốt thật chậm, sẽ thấy ngon và thảnh thơi kỳ lạ. Thực dưỡng là “mảnh đất” có niềm vui của những con người đã quan niệm khác chúng ta về vị ngon của những bữa ăn. Là nơi có chân lý của cuộc sống nằm ở sự tìm về chính bản thân ta, thay vì mê mải chinh phục, và tìm kiếm. Nằm ở vị ngon của sự nhai kỹ và nghiền ngẫm.

Chia sẻ củamẹ bé Chít(huongng…@…)

 

Ngoài ra, nếu mẹ có những kinh nghiệm, quan điểm,… về nuôi con kiểu thực dưỡng, hãy cùng chia sẻ với các mẹ khác qua email: Giadinh@emdep.vn nhé!

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.