Cả nhà tớ luôn quán triệt tư tưởng không cho trẻ con tiếp xúc nhiều đến điện thoại vì nó ảnh hưởng đến màng não yếu ớt của chúng tớ. Nhưng mẹ tớ cũng rất tân tiến, cũng không nỡ để chúng tớ không được biết đến phát minh vĩ đại của loài người này. Mẹ kỳ công may cho tớ một cái điện thoại bằng vải dạ, tớ dùng nó chơi trò “chuyện trò” với bố mẹ, các anh khi mọi người đi vắng.
Tớ thấy điện thoại rất hay nhé. Ông tớ, người “kém công nghệ” nhất trong nhà có lúc cũng gặp tình huống rất buồn cười. Ông kể lại, có một cô bé giọng Hà nội cực kỳ dễ thương gọi điện cho ông: “Alo, chào anh ạ. Xin lỗi em có thể nói chuyện với anh một chút được không ạ?”. Nhưng lúc đấy bọn tớ đang lèo nhèo, anh Bun kéo tay ông, anh Beo kéo quần ông đòi ông bế một tí, còn tớ thì đang được ông bế trên tay. Ông đành phải trả lời: “Tôi đang bận bế cháu”.
Một tí nữa, chuông điện thoại lại đổ: “Alo, anh rỗi chưa ạ, cho em nói chuyện với anh một chút nhé?”. Ông tớ tóc tai lù bù, quần áo xộc xệch đang chạy theo hai đứa cháu nghịch như quỷ sứ muốn đứt hơi, vừa trả lời vừa thở hổn hển: “Tôi vẫn đang bận bế cháu, cô nhé!”… Cô bé kia thật là kiên trì không buông tha, một lát sau chuông điện thoại lại đổ: “Anh có thời gian chưa ạ?”. Ông không còn sức lực nữa, thều thào: “Tôi vẫn đang bận bế cháu. Tôi năm nay 70 tuổi rồi”. Thế là thôi, cô bé mất hút luôn. Sau mới biết, hóa ra đó là… cô bé chào bảo hiểm, chắc là lấy được danh sách điện thoại từ hãng và tranh thủ chào hàng.
Vậy đấy, không có điện thoại thì cuộc sống sẽ bớt đi bao nhiêu chuyện vui vẻ như thế các bạn nhỉ?! Và tớ sẽ không được chiêm ngưỡng dáng điệu nghe điện thoại đáng yêu đến… nao lòng của ông nữa.
Mẹ thì thường hay càu nhàu sao bố luôn nhắn tin “keo kiệt” thế. Bố tớ nhắn thế này: Bị nhẹ. Có. Chưa biết. Người ngoài đọc thì làm sao hiểu nổi mật mã “Da vinci” này. Nhưng đơn giản chỉ là bố trả lời tin nhắn của mẹ: Sáng nay con có ho nữa không? Anh có đưa con đi học không? Tối có cho con đi chơi trung thu ở đâu không? Những dấu chấm câu ngắn khô khốc từ tin nhắn điện thoại đôi lúc làm mẹ tớ hơi chạnh lòng. Nhưng cuộc sống thực tế đã mang đến cho mẹ sự an ủi ngọt ngào hơn: Nếu một ai đó không yêu bạn được như bạn mong muốn, điều đó không có nghĩa là người đó không yêu bạn bằng cả trái tim và cuộc sống của họ.
Còn tớ, tớ sẽ cố gắng học cách tinh tế hơn: yêu theo cách mà mọi người đều mong muốn. Tớ thấy cũng rất đơn giản. Giống như hôm trước hai anh tớ đi chơi xa mẹ một ngày. Tớ nghe mẹ gọi điện cho các anh xong thì thổn thức: “Các anh bảo nhớ mẹ lắm, Boeing à”. Tớ thì thừa biết các anh ấy mải mê chơi làm gì còn thời gian để nhớ nhung sầu cảm. Nhưng một câu nói qua điện thoại cực kỳ mộc mạc ấy lại làm tan chảy trái tim mềm yếu của người phụ nữ – mẹ tớ.
Mẹ tớ lấy chồng xa nên thiệt thòi vì không được ở gần ông bà ngoại. Nhưng mẹ rút ngắn khoảng cách lạnh lùng của địa lý đó bằng những cuộc điện thoại hàng ngày. Lần nào tớ cũng ghé lại nói chuyện với ông bà vài câu, thứ ngôn ngữ: “cha, cha, cha…” của tớ thế mà bà tớ hiểu đấy nhé. Bà luôn cười sảng khoái và thủ thỉ: “Bà cũng nhớ Boeing lắm!”. Ngọt ngào quá! Trái tim đàn ông của tớ mạnh mẽ thế mà cũng bị rung rinh rồi…
Chính sự hiện diện của điện thoại trong cuộc sống đã giúp cho cả nhà tớ có thêm trải nghiệm đặc biệt để thấy sự quan tâm đến mọi người vẫn luôn là những từ đẹp nhất, và là một trong những sợi dây nối kết tình yêu trong gia đình.
Nào các bạn, đừng quên gọi điện cho người thân nhé!
Thu Huyền
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.