Gió thổi chậm hơn và đổi hướng mỗi khi hiện tượng nhật thực xảy ra, một nghiên cứu cho thấy.
Nhật thực xảy ra khi mặt trăng, mặt trời, trái đất xếp thành hàng với mặt trăng ở giữa. Bóng của mặt trăng lướt trên bề mặt địa cầu trong quá trình nhật thực diễn ra.
Giới khí tượng từng phát hiện ra rằng nhiệt độ trong vùng tối mà mặt trăng tạo ra có thể giảm tới 3 độ C.
“Vào năm 1901, một người đàn ông có tên H. Helm Clayton đoán rằng gió đổi hướng khi nhật thực xảy ra”, Giles Harrison, một nhà nghiên cứu của Đại học Reading tại Anh kể.
Sau đó nhiều nhà khoa học cũng khẳng định gió đổi hướng và thổi chậm hơn khi nhật thực xảy ra, song không ai đưa ra được số liệu để chứng minh.
Để chứng minh giả thuyết của Clayton, Harrison và Suzanne Gray, một nhà nghiên cứu khí quyển cùng trường, thu thập dữ liệu thời tiết ở những vùng mà bóng mặt trăng quét qua trong một lần nhật thực vào năm 1999, National Geographic đưa tin.
Kết quả cho thấy tốc độ của những luồng gió trong vùng bị bao phủ bởi bóng của mặt trăng giảm tới 2,5km/h. Ngoài ra hướng gió cũng chếch sang phía nam khoảng 20 độ.
“Khi nhiệt độ giảm vì nhật thực, có vẻ như tốc độ và hướng của gió cũng thay đổi”, Harrison bình luận.
Gray và Harrison nhấn mạnh rằng nghiên cứu của họ là một cơ hội hoàn hảo để kiểm tra mức độ chính xác của các công nghệ dự báo thời tiết ngày nay.
“Thật tuyệt vời vì bạn có thể thu được những dữ liệu vô cùng chi tiết về thời tiết nhờ những thiết bị dự báo tiên tiến”, hai nhà nghiên cứu nói.
Theo VNE