Động đến vấn đề sinh đẻ là các ông chồng ú a ú ớ như gà mắc tóc vì nó quá xa lạ và cũng chẳng thú vị gì để tìm hiểu. Chồng có thể đọc báo xem phim cả mấy tiếng không chán, nhưng cứ hễ bảo đọc sách mang thai, chăm sóc sản phụ sau sinh là chối đây đẩy. Vợ gần đến ngày sinh, chồng vẫn cứ thong dong, bình thản, vì trong đầu chỉ có ý nghĩ duy nhất, “đau đẻ thì chở vào viện là xong”. Thế nên mẹ nào sắp sinh và muốn “chỗ dựa tinh thần” kia phát huy tác dụng, thì nhớ đọc to và rõ những nhiệm vụ sau cho các ông chồng đáng kính nhé.
1. Chở vợ đến bệnh viện
Nhiệm vụ này thì tất nhiên phải ghi nhớ rồi. Khi vợ có dấu hiệu chuyển dạ, chồng chuẩn bị đồ đạc, giấy tờ cần thiết, tiền bạc để nhập viện ngay. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng lúc vợ đang rất bối rối. chồng cần phải giữ bình tĩnh và sáng suốt giải quyết mọi việc. Các dấu hiệu chuyển dạ thường là rỉ ối, xuất hiện cơn co.
Đồ đạc không cần mang nhiều vì sau sinh cả mẹ và bé đều dùng đồ của bệnh viện. Chỉ cần mang theo những đồ cơ bản sau:
– 1 bộ quần áo cho mẹ và 1 bộ quần áo cho bé để mặc khi ra viện.
– Bỉm cho bé và bỉm cho mẹ.
– Bình sữa và sữa công thức phòng khi mẹ chưa về sữa. Các vật dụng vệ sinh bình sữa đi kèm.
– Đồ vệ sinh cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, gạc rơ lưỡi cho bé.
2. Làm thủ tục nhập viện
Khi vào viện, mẹ bầu sẽ được các bác sỹ thăm khám. Tùy tình hình sẽ cho nhập viện ngay hoặc chưa nhập viện. Nếu nhập viện ngay, chồng sẽ là người làm các thủ tục nhập viện cho vợ. Khâu này khá đơn giản vì có quy trình hướng dẫn rõ ràng.
Sau khi thủ tục nhập viện hoàn tất, mẹ bầu được đưa lên phòng chờ đẻ. Khi đi mẹ nhớ mang nước uống, bỉm để mặc khi bị rỉ ối và điện thoại để liên lạc khi cần thiết. Chồng lúc này đứng bên ngoài và hỗ trợ khi vợ cần nước, bỉm hay vật dụng khác.
3. Hỗ trợ mẹ khi chuyển dạ
Ở một số bệnh viện, nếu sinh thường và đăng ký dịch vụ người thân vào cùng, bố có thể vào cùng mẹ để tận mắt chứng kiến hành trình sinh nở kỳ diệu này. Một cái nắm tay thôi cũng tiếp thêm cho mẹ bao nhiêu sức mạnh và nghị lực. Ngoài ra một nhiệm vụ cũng rất thiêng liêng mà bố không thể quên được là bố có thể tự tay cắt dây rốn cho con.
Tuy nhiên nếu mẹ sinh mổ, bố không thể vào cùng mà chỉ có thể đứng ngoài. Lúc này bố lại có nhiệm vụ khác là chụp ảnh con sau khi sinh. Vì sinh mổ mẹ và bé chưa được gặp nhau ngay, mẹ chuyển lên phòng hậu phẫu, sau 6 tiếng mẹ và bé mới được trở về phòng bệnh.
4. Làm “người giúp việc” trong những ngày trong viện
Khi hai mẹ con còn trong viện, bố sẽ phải cáng đáng rất nhiều việc đấy. Bố sẽ là người đăng ký phòng bệnh cho hai mẹ con, sắp xếp đồ đạc trong phòng bệnh, làm thủ tục nhận/ trả quần áo, tã quấn của mẹ và bé hàng ngày, đi mua những vật dụng cần thiết hoặc đón tiếp người thân đến thăm hai mẹ con.
Ngày đầu tiên sau sinh, nếu mẹ chưa về sữa ngay, bố sẽ là người pha sữa công thức cho bé uống. Tuy nhiên nên để cho bé bú mẹ trước, nếu bé vẫn đói thì mới pha sữa công thức. Bố pha theo hướng dẫn trên hộp sữa. Thông thường sữa cho trẻ sơ sinh được pha ở nhiệt độ khoảng 30-38 độ C. Bé mới sinh chỉ bú được khoảng 15-30ml sữa cho mỗi cữ bú. Trước khi pha sữa cho bé, cần tiệt trùng bình sữa. Trước khi cho bé bú, cần nhỏ một ít ra tay để biết chắc sữa không bị nóng gây bỏng lưỡi bé.
Hàng ngày, sẽ có nhân viên y tế đến phòng bệnh và đưa bé đi tắm. Bố đảm nhận nhiệm vụ bế bé cho nhân viên y tế để mẹ tranh thủ nghỉ ngơi hoặc chợp mắt. Một số bệnh viện có thực hiện khám thính lực cho trẻ sơ sinh ngay trong viện. Nếu được yêu cầu, bố cũng nên đưa bé đi, vừa thể hiện là người cha người chồng chu đáo, vừa có kỷ niệm để sau này hàn huyên kể lại cho con nghe.
Sau sinh, cơ thể người mẹ rất yếu. Nếu sinh mổ thì việc đi lại, sinh hoạt càng khó khăn hơn. Bố có thể đỡ mẹ đi lại quay phòng, bế con giúp mẹ và đưa mẹ đi vệ sinh, thay băng khi cần. Hãy vì mẹ, vì con mà bố chịu khó vất vả nhé. Hai mẹ con sẽ rất cảm kích đấy.
5. Làm thủ tục ra viện
Vậy là những ngày vất vả trong viện cũng qua, bố giờ có thể làm thủ tục ra viện cho hai mẹ con. Bắt đầu một cuộc sống gia đình thực sự với nhiều vất vả, lo toan mới. Thôi không còn ham chơi điện tử hay đi nhậu cùng bạn bè nữa bố nhé!
Việt Hà
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.