Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng ấm lên toàn cầu có thể vẫn tiếp diễn ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Đan Mạch dẫn tới sự ra đời của một thỏa thuận mới về cắt giảm khí thải.
Triều cường dâng khiến nhiều đường phố tại thủ đô Jakarta của Indonesia ngập nước vào ngày 3/12. Giới khoa học cảnh báo lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters. |
Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh do Liên Hợp Quốc chủ trì tại thành phố Copenhagen (từ ngày 7 tới 18/12) là ký kết một hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto 1997. Mặc dù nhiều người tỏ ra lạc quan về khả năng thành công của hội nghị, một số nhà khoa học vẫn cảnh báo rằng tăng nhiệt độ là xu hướng không thể tránh khỏi của địa cầu.
Trong một bài viết trên tạp chí Nature, tiến sĩ Mark New của Đại học Oxford (Anh) cùng nhiều nhà nghiên cứu khác tuyên bố nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng dưới mức 2 độ C nếu các nước thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết trong hội nghị Copenhagen. Nếu thế giới chỉ đạt được một hiệp định với “những điều khoản yếu”, nhiệt độ sẽ tăng thêm ít nhất 4 độ C trước năm 2060. Tình trạng đó sẽ khiến các sông băng tan chảy nhanh hơn, nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán liên tục xảy ra trên diện rộng.
“Ngay cả những nước phát triển cũng sẽ đối mặt với các thảm họa như di cư ồ ạt và thiếu lương thực. Những cộng đồng giàu nhất sẽ chứng kiến những thay đổi to lớn và chưa từng có trong cuộc sống của họ. Phần lớn dân số thế giới sẽ phải thay đổi những thói quen cơ bản để có thể tồn tại trong một thế giới nóng hơn hiện nay”, ông New nói.
Tiến sĩ New kêu gọi các nước giàu mạnh tay cắt giảm khí thải, đồng thời hỗ trợ nỗ lực cắt giảm khí thải của nước nghèo bằng tài chính và công nghệ. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế cần giúp những nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam, đối phó với tình trạng nước biển dâng và các tác động khác.
Theo VnExpress