Tôi được nhận vào công ty làm việc ở vị trí đúng chuyên môn nên công việc chẳng hề khó khăn, lạ lẫm thêm vào đó, sếp tôi cũng là người cởi mở, dễ chịu nên tôi thấy rất hài lòng ở công việc này. Tuy nhiên, chỉ có mấy chị đồng nghiệp trong phòng ngay từ lần gặp đầu tiên đã khiến tôi e dè, nếu không nói là sợ hãi.
Khi sếp vừa giới thiệu tôi là nhân viên mới và nói mọi người tạo điều kiện để tôi làm quen với công việc thì một sự cố đã xảy ra khiến tôi ngượng chín mặt. Chả là cái tên của tôi không đẹp, lại cụt ngủn và hơi quê mùa nên ngay khi tôi giới thiệu tên Đỗ.Thị.L đã khiến các chị ồ lên. Một chị lớn tuổi buông thõng một câu: “Ôi, người không đến nỗi mà sao tên xấu thế” khiến tôi mất hứng và hụt hẫng. Chưa hết, một chị khác giơ ngón tay cái nói kiểu đầy châm chọc: “Chị thích cái tên của em rồi đấy”… Rồi cả phòng cười rộ lên, khiến tôi ngượng vô cùng. Thực lòng, đây không phải là lần đầu tôi bị trêu chọc vì tên của mình, nhưng cứ nghĩ ở một môi trường chuyên nghiệp, với những người trưởng thành hơn, việc trêu chọc, chế diễu nhau về tên gọi sẽ không còn, đằng này…
Sau màn chào hỏi cười ra nước mắt ấy, tôi bắt đầu công việc mới chẳng tự tin, hào hứng nữa. Tôi sợ hãi, mỗi khi các chị gọi tên tôi, cứ kéo dài và kèm theo cả tiếng cười khúc khích. Thậm chí, việc tên của tôi lạ, mới và hài hước còn được các chị đem ra phòng ăn, bàn tán trong giờ nghỉ trưa. Tôi tự nhiên bỗng thành “hot girl” theo nghĩa mỉa mai của công ty. Gặp ở cầu thang, cũng có người hỏi: “Em có phải là L phòng hành chính không? Quả đúng là người đẹp mà tên thì… lạ quá”. Tôi thực chẳng biết nói thế nào vì chuyện ấy nữa.
Khoảng 1 tuần làm việc, thì chủ đề tên và người của tôi không còn rầm rộ nữa. Có vẻ 4 chị cùng phòng tôi đã dần quen với tên gọi lạ lẫm, quê mùa ấy. Rồi lại đến chuyện các chị xin contact của tôi để tiện liên lạc, từ email, Fb, zalo… tất tật. Khi biêt địa chỉ Fb của tôi là Salem- Misa @…. thì một chị bĩu môi dè bỉu: “Gớm, lại còn bày đặt. Sao không lấy là Lọ Lem đi cho dễ tìm. Sợ người ta chê tên xấu à?”.Tôi chỉ biết cười ngượng trong hoàn cảnh ấy.
Vì tôi nhanh nhẹn, biết việc, lại có kinh nghiệm trong việc quản lý giấy tờ tên anh sếp khá ưng và quý, thường cho tôi đi theo trong các buổi họp, giao ban của công ty. Điều đó cũng làm cho các chị khó chịu, để ý đến tôi nhiều hơn, từ ăn mặc, đi đứng, nói năng. Hôm đó, tôi mới mua chiếc áo sơ mi mới, là hàng có thương hiệu, nên vui lắm. Chẳng phải tôi khoe khoang hay ăn diện gì, nhưng đó thực lòng là lần đầu tiên tôi dám mua một chiếc áo đắt tiền đến vậy. Hí hửng mặc đến cơ quan, vừa vào phòng, có chị khen ngay, xinh thế, áo đẹp thế làm tôi rất hào hứng. Tôi hỏi có đẹp thật không, rồi cũng giãi bày về việc hạ quyết tâm mới dám mua áo đắt rất thật tình thì các chị thay đổi hẳn thái độ: “Em thì giờ phải lo chú trọng đến nhan sắc rồi, suốt ngày tháp tùng sếp đi họp cơ mà”. Câu nói của chị đai ra, kéo dài chữ “họp” khiến tôi thấy ấm ức vô cùng. Hóa ra các chị nghĩ tôi cố tình trưng diện để lấy lòng sếp hay đại loại một thứ gì đó chẳng tốt đẹp. Làm tôi tiu ngỉu, chẳng còn hồ hởi với chiếc áo mới nữa.
Chưa hết, sau lưng tôi các chị còn nói: “Nếu không làm chuyện mờ ám thì lấy đâu ra tiền sắm sửa những thứ đắt tiền đó? Giờ gái quê cũng chẳng lành đâu”. Tôi nghe được và thực sự thấy buồn khi các chị cứ suy đoán, cường điệu, phức tạp hóa vấn đề. Tôi đành im lặng bởi nếu “ném đá” là sở thích của các chị, thì không phải tôi mà là bất kỳ ai khác, các chị cũng sẵn sàng. Tôi tự nghĩ, rồi tự trấn an mình như vậy.
Hôm vừa rồi, nhà có việc nên tôi xin nghỉ về quê hai ngày, phần vì từ ngày vào công ty cũng chưa ra mắt các chị, tiện thể quê tôi có đặc sản nem chua nên tôi mang lên biếu cả phòng. Anh trưởng phòng cảm ơn và khen rất ngon thì ngay lập tức, có chị phản ứng: “Ngon gì mà ngon? Toàn lá là lá chứ có thấy thịt thà gì đâu? Chẳng đủ nhét kẽ răng”. Làm tôi tiu ngỉu, chẳng biết đáp lại điều gì.
Mà sự việc “dìm hàng” tập thể ấy, chẳng phải chỉ xảy ra với một mình tôi, thậm chí đến cả “đồng minh” của các chị cũng bị chịu trận. Cách đây 3 hôm, một chị có tuổi trong phòng hồ hởi khoe với chúng tôi, con gái của chị đang học lớp 12 nhưng đã nhận được học bổng du học ở Úc. Tôi thì thấy ngưỡng mộ và chúc mừng chị thực sự. Trước mặt, ai cũng cười và nói chúc mừng. Nhưng chỉ sau đó ít giờ, một chị đã đăng một bài kích rất nặng nề trên Fb mà khiến ai trong phòng tôi đọc cũng hiểu đó là nói đến chị nhiều tuổi ấy. Nào là khoe mẽ, tự phụ, kệch cỡm… thậm chí còn nói nặng nề rằng điểm chác thật thì ít mà “điểm của bố mẹ” thì nhiều.
Tôi đọc được những dòng đó, thấy các chị thật nhỏ nhen, ích kỷ và hẹp hòi. Lúc nào cũng sẵn sàng mang người khác ra làm trò tiêu khiển, bới móc và bình phẩm vậy. Chị lớn tuổi trong phòng tôi cũng đọc được điều đó, chị im lặng không nói gì, nhưng nhìn ánh mắt chị, tôi hiểu, chị buồn và thất vọng. Hai hôm nay, chị báo ốm không đến cơ quan. Nhìn chỗ của chị trống, tôi hiểu, việc làm vô tâm của mấy đồng nghiệp kia đã làm tổn thương chị. Tôi hiểu cảm giác ấy lắm, vì tôi cũng từng là nạn nhân của những lời bình phẩm, chọc ngoáy ấy rồi.
Tôi thật chán cái xã hội thu nhỏ chung quanh mình nhưng biết phải làm gì để thay đổi nó. Đã nhiều lần, tôi định bỏ việc nhưng nghĩ những nơi khác cũng chẳng khá hơn đâu, bởi đội quân “bà tám” ở công sở thì chốn nào chẳng có. Thêm vụ việc của chị đồng nghiệp thì tôi lại càng hiểu, mình chẳng phải là người duy nhất chị mang ra bình phẩm, mổ xẻ, mà đến cả những cây “đại thụ” cũng là nạn nhân của cơn bão “nhỏ nhen” ấy cơ mà. Tôi cứ AQ vậy đấy, nhưng chính vì thế mà tôi kiên cường, tự tin hơn để làm việc và cống hiến.
Minh
Xem thêm:
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.