Theo báo cáo mới nhất của Vườn quốc gia Tam Đảo, trong vòng 2-3 năm nay nhiều loài chim, thú quý đã dần trở lại sống và sinh sôi nảy nở nhanh chóng ở khu vực phía Nam vườn, đặc biệt là ở 15.000 ha rừng khu vực Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Các loài thú như hươu, nai, hoẵng, mang, lợn lòi, gấu, mèo rừng, sóc, chồn, cáo vắng bóng từ hàng chục năm trước nay đã xuất hiện trở lại. Khu hồ Thanh Lanh đã có từng đàn hươu nai xuống uống nước, từ độ cao 200 trở lên đã xuất hiện dấu vết dũi của nhiều đàn lợn lòi. Đêm đêm, tiếng nai, hoẵng, mang giác vang rừng. Nhiều bộng ong, hang đá có dấu hiệu của các loài gấu ngựa, gấu chó sinh sống, kiếm ăn.
Rõ nhất là những đàn chim như vẹt, khướu, tu hú, sáo sậu, mỏ cày, vòi voi, cò, vạc, sâm cầm… Những loài chim sống dưới đất như đa đa, gà rừng, chim dẽ đều đã xuất hiện trở lại, điều mà từ hàng chục năm nay không hề thấy. Riêng loài diều hâu, quạ khoang tưởng đã tuyệt chủng ở khu vực này nay đã bay lượn từng đàn…
Lâu nay, người dân khu vực núi rừng Tam Đảo đã có thói quen cố hữu là săn thú, bẫy chim, coi đây là một nghề, một thú vui. Khi hạt ngô tra xong xuống hốc, thời tiết khô hanh, các phường săn đua nhau hoạt động. Nhà nào cũng có chó săn, súng kíp, bẫy giập, cung nỏ… Nhiều thợ săn hiểu tập tính, đường đi lối về của các loài thú như gia súc gia cầm trong nhà, nên những cuộc đi săn đều hạ được chim thú. Tệ hơn nữa là nạn phá rừng làm rẫy, đốt rừng bắt ong, hun khói vào hang cầy cáo gây cháy rừng, làm giảm mật độ rừng, giảm diện tích rừng, có khu rừng bị “cắt cao cạo trắng” tới độ cao 400 trở lên, vì thế không còn mấy chỗ cho chim, thú sinh sống.
Chính quyền địa phương đã vận động nhân dân bỏ thói quen sống du canh du cư, phá rừng làm rẫy, bỏ tập quán đi săn chim thú. Ngành kiểm lâm tổ chức mạng lưới cộng tác viên bảo vệ rừng. Trên 200 hộ dân xã Trung Mỹ trước đây vẫn sống du canh du cư nay đã “hạ sơn” ổn định chỗ ở, thâm canh lúa nước, làm thuốc nam… Địa phương cấp kinh phí xây dựng hệ thống thủy lợi giúp bà con phục vụ sản xuất. Một cuộc vận động bỏ tập quán đi săn được tiến hành bền bỉ 3 đến 5 năm qua. Trên 200 khẩu súng, cung nỏ, bẫy giập đã được nhân dân tự giác nộp. Các hương ước, quy ước của làng, bản đều có mục cấm săn bắn, coi đó là vấn đề đạo đức…
Nhờ những biện pháp này, hệ chim muông thú quý của rừng Vĩnh Phúc đang ngày càng phong phú, đa dạng và chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa.
Theo VnExpress/Monre