Nhiều sinh viên nợ nần chồng chất vì dính vào đa cấp

Nhiều sinh viên nợ nần chồng chất vì dính vào đa cấp

Nhiều sinh viên nợ nần chồng chất vì dính vào đa cấp

Giấc mơ đổi đời trở thành cơn ác mộng

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, bạn N.T.N – sinh viên Trường Đại học (ĐH) Thương mại chia sẻ, cách đây không lâu, do có bạn thân làm trong công ty bán hàng đa cấp ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội rủ đến trụ sở để “tìm hiểu công việc”, nên N đồng ý đi cùng. Đến nơi, N thấy có khá nhiều bạn sinh viên sinh năm 1996, 1997 cũng có mặt ở đó. Sau khoảng 5 phút, N được dẫn đến gặp một nhân viên được giới thiệu đã làm việc tại đây khá lâu. Trong khi tiếp xúc, nhân viên này hỏi H về hoàn cảnh gia đình, quê quán và xen kẽ trong câu chuyện là những lời giới thiệu về phương thức kinh doanh, những khoản lợi nhuận kếch xù mà người tham gia có thể đạt được trong thời gian ngắn.

Tiếp theo, N được dẫn sang bàn bên cạnh để nghe một nhân viên khác giới thiệu về dự án kinh doanh của công ty, các khóa đào tạo “giá trị con người”. Sau đó, nhân viên này yêu cầu N đưa Chứng minh nhân dân để… tạo tài khoản và cho biết muốn trở thành thành viên chính thức của công ty, N phải nộp vào số tiền là 9,6 triệu đồng để “có động lực làm việc”, đồng thời được nhận về một số thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Việc thu tiền hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ. Hợp đồng này có giá trị trong 1 năm. Trong thời gian này, nếu muốn nhanh chóng thu hồi vốn và có lợi nhuận, N phải lôi kéo được càng đông người tham gia càng tốt. 

Do không mang theo tiền nên N đã được nhân viên trong công ty nhiệt tình dẫn đến… chỗ quen biết vay “nóng” 5 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày để nộp tiền đặt cọc. Nhưng do vẫn thiếu tiền nên N không được ký hợp đồng. Điều này tưởng rủi song lại hóa may vì N vẫn có quyền rời bỏ công ty đa cấp bất cứ lúc nào do hai bên chưa có ràng buộc. Song, số tiền 5 triệu đồng N đã nộp vào công ty coi như mất trắng.

Khi được hỏi về nguyên nhân chấm dứt công việc sớm khi còn chưa “mời” được khách hàng nào tham gia vào mạng lưới này, N tâm sự: “Để được chi trả hoa đồng, chỉ còn cách đi “lừa” người thân, bạn bè của mình. Điều này là vô cùng tàn nhẫn. Em thà chấp nhận đi làm thuê, nhịn ăn, nhịn mặc để có tiền trả nợ chứ không thể lôi kéo người thân lâm vào cảnh như mình. Hiện nay, có nhiều bạn sinh viên đã lún sâu vào đường dây đa cấp này, trong đó đa số là sinh viên nghèo, phải đi vay nợ. Họ muốn bỏ cũng không được vì chưa hết thời hạn hợp đồng, còn số tiền vay nợ ngày càng tăng do lãi mẹ đẻ lãi con, không biết đến khi nào mới thanh toán hết” – N ngậm ngùi. 

Tỉnh táo trước những lời “đường mật”

Khi du nhập vào Việt Nam, bán hàng đa cấp , đã bị một số cá nhân, đơn vị biến tướng thành trò lừa đảo. Với chiêu thức “dùng người quen lôi kéo người quen”, quy định về mức thu nhập tăng theo cấp số nhân và đưa ra những “ví dụ” điển hình được đổi đời từ đa cấp, một số công ty bán hàng đa cấp đã đánh trúng tâm lý hám lợi, muốn giàu nhanh của không ít người. Trong khi đó, việc tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp của mỗi cá nhân thực chất là đi thuyết phục, dụ dỗ, lôi kéo những người khác tham gia mua sản phẩm của công ty để ăn “hoa hồng”. Nhiều người tham gia đều chưa có công ăn việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên bị hoa mắt trước những món lợi do một số công ty đa cấp “vẽ” ra. Đến khi thức tỉnh, họ không còn cơ hội được hoàn trả tiền, phải chịu mất trắng khoản tiền đã nộp trước đó và lún sâu trong nợ nần.

Trước tình trạng này, thông qua mạng xã hội, một số trường đại học đã đăng thông tin cảnh báo tới sinh viên, nêu rõ một số hình thức bán hàng đa cấp được áp dụng phổ biến trong sinh viên hiện nay như: Tuyển nhân viên nạp tiền điện thoại; bán sản phẩm gia đình như dầu gội, sữa rửa mặt, kem đánh răng, nước rửa bát… Thông thường, khi mới đăng ký, mỗi sinh viên phải ký hợp đồng lao động và đặt cọc số tiền nhất định. Chỉ sau khi bán hàng đạt định mức, sinh viên mới được rút lại tiền đặt cọc hoặc vật thế chấp. Nếu đồng ý tham gia, sinh viên muốn dừng lại cũng không dễ. 

Theo Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội, nhiều công ty bán hàng đa cấp lừa đảo đã bị phát hiện và xử lý nghiêm. Để tránh gặp rủi ro, mỗi sinh viên cần tỉnh táo trước những lời mời gọi, tránh vừa thiệt hại về kinh tế, vừa ảnh hưởng đến học tập. Bên cạnh đó, khi nộp tiền, ký hợp đồng, mỗi cá nhân cần yêu cầu trả hóa đơn, hợp đồng có đóng dấu đỏ và nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường từ các mạng lưới bán hàng đa cấp, phải nhanh chóng tới các cơ quan chức năng trình báo để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nguồn: Theo An ninh Thủ đô

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.