Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Jeju – Hàn Quốc thông báo tính đến ngày 17-1 đã tìm thấy 28/56 người Việt Nam “mất tích” trong một chuyến du lịch. Trong số đó, 3 người đang làm việc tại cơ sở chế biến thực phẩm trên đảo Jeju sau khi trả chi phí môi giới từ 15.000-45.000 USD/người.
Trốn ở lại để tìm việc
56 du khách Việt Nam nói trên nằm trong đoàn 155 người đến Jeju hôm 12-1 rồi biến mất vào hôm sau. Cảnh sát và tuần duyên Hàn Quốc nói họ đang tăng cường kiểm tra để ngăn những người Việt mất tích trốn sang các tỉnh khác. Báo The Korea Times cho hay kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng miễn visa du lịch cho nhiều quốc gia vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất.
Việc 56 du khách Việt “mất tích” sau khi đến đảo Jeju đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài. “Chắc chắn đằng sau vụ này có đường dây đưa người nhập cư làm việc trái phép mà cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ” – ông Phạm Anh Thắng, Phó trưởng Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phía Nam, nhận định.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, mỗi năm có khoảng 120.000 người Việt đi du lịch Hàn Quốc. Dù không có thống kê chính xác nhưng cơ quan này thừa nhận tình trạng người Việt lợi dụng đi du lịch ở Hàn Quốc (kể cả các nước khác) để ở lại làm việc thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, ông Phạm Anh Thắng khẳng định chuyện du khách sau khi nhập cảnh Hàn Quốc tự ý tách đoàn, được người môi giới đến đón đưa vào nhà máy hay vùng nông thôn để làm việc rất phổ biến.
“Nhu cầu lao động phổ thông ở đảo Jeju rất cao và đây cũng là nơi có nhiều cô dâu Việt sinh sống. Do hiện nay, Hàn Quốc không tuyển lao động mới của Việt Nam nên nhiều người tìm cách đi làm việc trá hình qua con đường du lịch đến đảo này” – ông Thắng nói.
Thời gian qua, có khá nhiều đường dây đưa du khách Việt đến đảo Jeju để làm việc trái phép bị phát hiện. Gần đây nhất, ngày 26-9-2015, TAND Hà Nội mở phiên xét xử Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi) và Nguyễn Thị Hải (40 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp (DN) tư nhân ở Hà Nội) về hành vi đưa người khác trốn đi nước ngoài. Từng đi lao động ở Hàn Quốc năm 2010 sau đó bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp, Thuận biết rõ chính sách miễn visa nhập cảnh của đảo Jeju. Sau khi về nước, Thuận cùng Hải móc nối đưa 12 người sang Jeju bằng con đường du lịch. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thuận và 12 người bị cơ quan chức năng tạm giữ. Theo lời khai của Thuận, mỗi người nộp cho Thuận 3.000 USD.
Một lãnh đạo của Tổng cục Du lịch thừa nhận khách Việt đến Hàn Quốc, kể cả một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác để trốn ở lại tìm việc làm hoặc tìm đường sang nước thứ ba có xu hướng gia tăng. Dù xử phạt nặng, rút giấy phép những DN có du khách bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài nhưng hiện tượng này vẫn không giảm.
Tiếng xấu cho lao động Việt
Báo cáo của Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết đến cuối năm 2015, có khoảng 16.000 lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại nước này; chưa kể lực lượng đi du lịch trá hình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH, do tỉ lệ lao động bỏ trốn quá cao (trên 50%) nên từ năm 2012 đến nay, Hàn Quốc dừng tuyển lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép lao động EPS. Trong 3 năm qua, cục triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lao động bỏ trốn. Sắp tới đây, việc tuyên truyền cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm kéo giảm tỉ lệ bỏ trốn xuống dưới 30% (hiện trên 32%) để làm cơ sở đàm phán ký lại thỏa thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc (hết hạn từ tháng 8-2012) trong quý I/2016.
Dù vậy, tại hội thảo về chấn chỉnh thị trường Hàn Quốc mới đây, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận dù rất nỗ lực nhưng việc ngăn chặn lao động bỏ trốn rất khó khăn. Các biện pháp như xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng hay áp dụng ký quỹ 100 triệu đồng… vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều người bất chấp việc xử phạt, bỏ tiền ký quỹ với mục đích ở lại làm việc, tìm kiếm mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với khi về nước.
Các cơ quan chức năng cho biết hiện có khoảng 50.000 lao động Việt bỏ trốn ở nước ngoài, trong đó Đài Loan dẫn đầu với khoảng 25.000 người; kế đến Hàn Quốc 16.000 người (số liệu này do phía Hàn Quốc đưa ra là 26.000 người)… Việc Singapore áp dụng biện pháp câu lưu, kiểm tra du khách Việt tại sân bay thời gian vừa qua xuất phát từ lý do này. Từ cuối năm 2015, Malaysia cũng áp dụng biện pháp buộc giới chủ đón lao động Việt Nam tại sân bay; trong thời gian 24 giờ, nếu không có người đến nhận, người lao động sẽ bị trả về nước…
Làm rõ trách nhiệm công ty có du khách bỏ trốn
Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi 4 DN yêu cầu báo cáo và xử lý khách du lịch Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Theo đó, Công ty CP Thương mại và Lữ hành quốc tế Thế Giới Mới, Công ty CP Hanoiredtours, Công ty TNHH Du lịch và Thể thao Việt Nam, Công ty CP Đầu tư vận tải du lịch Hoàng Việt phải phối hợp với cơ quan liên quan tại Hàn Quốc và Việt Nam khẩn trương đưa toàn bộ du khách về nước theo đúng lịch trình.
Trong 2 ngày 17 và 18-1, đại diện 4 DN này phải trực tiếp làm việc với Tổng cục Du lịch để báo cáo, giải trình làm rõ trách nhiệm về vấn đề tổ chức chương trình du lịch cho người Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc và để xảy ra hiện tượng du khách bỏ trốn. Trên cơ sở báo cáo của DN, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ mức độ sai phạm nếu đến mức xử lý, xem xét ra quyết định tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng có văn bản gửi các DN kinh doanh lữ hành quốc tế yêu cầu chấn chỉnh tình trạng người Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài qua công ty lữ hành.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.