Vì sao bé trai và bé gái ẩu đả khác nhau? Khoa học vẫn chưa hoàn toàn giải thích được tại sao các bé trai thường đấm nhau trong khi các bé gái lại giật tóc nhau trên sân trường. Mặc dù vậy, trong sân đấm bốc, kiểu đánh nhau này lại mang đến lợi thế, ít nhất nếu các đối thủ là ruồi giấm.
Edward Kravitz, giáo sư sinh học thần kinh tại Trường Y Harvard, đã xác định được một gene kiểm soát những mẹo đánh nhau của ruồi giấm đực và cái.
Để kích hoạt các cuộc ẩu đả cùng giới này, Kravitz đưa ra các phần thưởng hậu hĩ: men cho con cái và với con đực là đặc quyền được ve vãn một cô nàng không đầu.
(Ảnh: Popular Science) |
Đúng như dự đoán, các anh chàng đánh nhau dữ dội hơn. Chúng nhào tới và sau đó chồm lên để tung ra những cú đá bằng chân trước. “Nếu quay chậm cảnh này, bạn sẽ thấy chúng chỉ đánh ngã đối phương”, Kravitz nói. Trong khi đó, các nàng xô đẩy và húc đầu vào nhau, một kiểu tấn công tao nhã hơn nhưng không kém phần hiệu quả.
Phải chăng sự khác biệt trong cách đánh nhau là hành vi học hỏi, hay đã được quy định trong gene? Để tìm hiểu điều này, Kravitz đã cấy gene liên quan đến những hành vi đi kèm giới tính của con đực (như sự ve vãn của giống đực) lên các con cái và cấy gene cái lên các con đực. Sau khi có sự hoán đổi gene này, các anh chàng ẩu đả như những con cái, còn các cô nàng lại chọn kỹ thuật đánh nhau vốn là của con đực. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự hung hăng ở ruồi giấm là do gene kiểm soát, gắn với giới tính cụ thể.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Kravitz không suy diễn ngay ra con người, vì chúng ta không có một gene tương ứng như kiểu của ruồi giấm. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhất trí rằng sự tiếp xúc với testosterone lúc đầu đời có lẽ chịu trách nhiệm về bản tính hung hăng của con người, tuỳ theo cấp độ tiếp xúc nhiều hay ít.
Những bí ẩn khoa học vui (phần 1)
Những bí ẩn khoa học vui (phần 2)
* Còn nữa
T. An
Theo Popular Science, Vnexpress